TP.HCM: Tăng trưởng tín dụng tăng 6,87% so với cuối năm 2023
Với kết quả tín dụng 10 tháng tăng 12,7% so với cùng kỳ, kết thúc năm 2024, tín dụng trên địa bàn TP.HCM dự báo sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng phù hợp theo định hướng đề ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhu cầu vốn thực tế của Thành phố.
Theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 10/2024 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3.785 nghìn tỷ đồng, tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 6,87% so với cuối năm 2023; tín dụng 10 tháng tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, so với cuối tháng 9, tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng thêm 1,04%, nhờ đó đã rút ngắn khoảng cách với mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Hà Nội. (Trước đó, sau 8 tháng, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội cao gấp đôi so với mức tăng trưởng chung của cả nước và gấp 3 lần TP.HCM).
Và với kết quả tín dụng 10 tháng tăng 12,7% so với cùng kỳ, kết thúc năm 2024 tín dụng trên địa bàn được NHNN Chi nhánh TP.HCM dự báo sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng phù hợp theo định hướng đề ra và nhu cầu vốn thực tế trên địa bàn Thành phố, đảm bảo sự phù hợp gắn liền với tăng trưởng GRDP của Thành phố trong năm 2024.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP.HCM trong 10 tháng năm 2024 gắn liền với những kết quả và xu hướng cụ thể.
Thứ nhất, tín dụng bằng tiền VND chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ, chiếm 96,2% và tăng 7,41% so với cuối năm.
Thứ hai, tín dụng trong 2 tháng còn lại của năm sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 10 tháng đạt 3.855 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm (tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng), sẽ tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu vốn dip cuối năm.
Đồng thời, hoạt động tín dụng cho vay bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo giữ ổn định giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng, thiết yếu dịp cuối năm sẽ tiếp tục được tổ chức thực hiện tốt.
Đến nay, doanh số cho vay đối với chương trình đạt 9.778 tỷ đồng, cho 37 doanh nghiệp tham gia chương trình. Trong đó, lãi suất cho vay thấp (bình quân khoảng 4%/năm) là yếu tố chính góp phần trực tiếp hỗ trợ chi phí sử dụng vốn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình. Từ đó, giúp giảm giá thành sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán hoặc giữ ổn định giá bán.
Thứ ba, tín dụng trên địa bàn trong 2 tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền Âm lịch dự báo sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn các tháng trước.
Bên cạnh đó, các hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ và du lịch thường tăng trưởng tốt trong dịp cuối năm cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Được biết, trong tháng 10/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội ước đạt 5.692 nghìn tỷ đồng, tăng 0,56% so với cuối tháng trước và tăng 6,68% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng đang duy trì tốc độ tăng trưởng, không chỉ tại hai đầu tàu kinh tế đất nước mà các địa phương cũng ghi nhận tín dụng đang bứt tốc.
Chẳng hạn, tại Hải Phòng, tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 10 đạt 237.631 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Tại Cần Thơ, tổng dư nợ cho vay là 173.700 tỷ đồng, tăng 11,03 % so với cuối năm 2023…
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống tính đến ngày 31/10 đạt 10,08%. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%, trong 2 tháng còn lại, hệ thống ngân hàng cần đẩy thêm khoảng 5%.