Chính sách

Góp ý cho nhiều nội dung mới của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Vũ Đậu 17/11/2024 09:02

Qua hơn 8 năm thi hành, về cơ bản, Luật Việc làm năm 2013 đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động; tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều nội dung bất cập cần sửa đổi cho phù hợp.

202194684_5863656089.jpg
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Việc làm đã được Chính phủ công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Nội dung dự thảo lần này đã có nhiều thay đổi lớn như: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; Bổ sung quy định về đăng ký lao động; Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; Sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; Bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…

Cho đến nay, bản dự thảo đã và đang được hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần thông qua các ý kiến góp ý của các cơ quan, ban ngành, của toàn thể nhân dân. Tuy nhiên, bản dự thảo này còn nhiều nội dung chưa được thống nhất, còn nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo.

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được tổ chức vào ngày 14/11 vừa qua, TS Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, ngày 23/11, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Cho tới thời điểm này thì các chính sách mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội đã cơ bản được các tổ, các đại biểu thống nhất và cũng có đề xuất trong quá trình chỉnh lý hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và Ủy ban xã hội (Quốc hội) để rà soát chỉnh lý.

Theo đó, Quốc hội sẽ chủ trương đường lối, luật khung còn các nhiệm vụ cụ thể thì giao cho Chính phủ. Mục tiêu làm sao để luật có tuổi thọ dài hơn, chứ cái gì cũng quy định trong luật sẽ hạn chế, gò bó vì khi muốn sửa một chính sách phải báo cáo Quốc hội thì sẽ rất lâu.

Thạc sĩ Trần Nguyễn Quang Hạ, Khoa Luật, Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua nhiều biến động, bảo hiểm thất nghiệp trở thành một chính sách quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động, góp phần ổn định thị trường lao động và xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp liên tục được cập nhật và hoàn thiện.

Với dự thảo lần này, bảo hiểm thất nghiệp đã trở lại đúng bản chất đó là làm thế nào hỗ trợ tốt nhất để giúp người lao động duy trì việc làm. Nếu người lao động bị mất việc thì sẽ giúp người lao động được đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, và cuối cùng mới là hỗ trợ một khoản tiền nhằm bù vào thu nhập bị mất do mất việc làm. Từ đó, các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tiếp cận với người lao động một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Trình bày tham luận về góp ý nội dung đăng ký lao động trong dự thảo luật việc làm sửa đổi, ThS Hồ Thị Thanh Trúc (Khoa Kinh tế - luật, Trường ĐH Tài chính - Marketing) cho biết, đăng ký lao động được xếp vào chương 3 của dự thảo với nhiều nội dung. Đối tượng đăng ký lao động là người lao động là công dân Việt Nam có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ Luật lao động.

Theo bà Trúc, như vậy, đối tượng đăng ký lao động là công dân Việt Nam có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc và đủ tuổi lao động theo quy định pháp luật. Có 2 vấn đề được đặt ra:

Thứ nhất, đối tượng đăng ký lao động phải có nhu cầu làm việc. Nội dung này mang tính cảm tính, như vậy việc đăng ký lao động được hiểu là không phải nghĩa vụ bắt buộc nếu viện dẫn lý do là không có nhu cầu làm việc thì không cần đăng ký lao động. Điều này sẽ làm cho việc thu thập thông tin về lao động không được đầy đủ và chính xác.

Thứ hai, đối tượng đăng ký lao động là công dân Việt Nam, người nước ngoài không phải đăng ký lao động, việc này làm cho thông tin thị trường lao động bị khuyết, khó có thể phục vụ tốt cho công tác quản lý vĩ mô thị trường lao động.

Theo ThS Trúc, một số thông tin đăng ký lao động không cần thiết và có thể tạo ra sự phân biệt đối xử, đồng thời thiếu một số thông tin cần thiết trong quản lý lao động. Cụ thể, thông tin về dân tộc là không cần thiết.

Trong khi đó, một trong những yếu tố đánh giá khả năng làm việc của người lao động là sức khỏe, lịch sử bệnh lý và kinh nghiệm làm việc, lịch sử công việc đã làm không được đề cập trong thông tin lao động. Vì vậy, bà đề xuất bỏ thông tin về dân tộc và bổ sung thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý, kinh nghiệm làm việc, lịch sử làm việc.

Bà Trúc cho rằng, một số thông tin về người lao động đã được thu thập trong cơ sở dữ liệu về dân cư vì thế việc thu thập các thông tin về tình trạng lao động và việc làm cần tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc đăng ký cần dễ dàng, tinh gọn...

Vũ Đậu