Điểm đến đầu tư

Việt Nam là điểm đến hứa hẹn của các quỹ đầu tư bền vững

Thu Hằng 18/11/2024 06:29

Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các quỹ đầu tư bền vững nhờ môi trường chính trị ổn định, tiềm năng phát triển năng lượng xanh lớn, tốc độ đô thị hoá cao, cũng như gia tăng tầng lớp trung lưu.

Theo thống kê của Morningstar, trong năm 2023 các quỹ đầu tư bền vững ở khu vực Đông Nam Á đã thu hút được dòng vốn ròng là 325 triệu USD, cao hơn 11,2% so với con số 292 triệu USD của năm 2022.

Các nhà đầu tư nói chung đang lạc quan hơn về Đông Nam Á, một phần là do tiềm năng tăng trưởng của khu vực này sẽ cao hơn so với phần còn lại của thế giới.

accounting-a-powerful-tool-to-begin-esg-mapping.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Theo đó, tăng trưởng GDP của ASEAN-6 (Singapore,Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Việt Nam) dự kiến sẽ phục hồi từ 4% năm 2023 lên 4,7% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025.

Ngoài ra, khu vực này sẽ được hưởng lợi từ sự kết hợp giữa quy mô dân số lớn, gia tăng tiêu dùng nội địa, đô thị hóa và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Do đó, nhiều quỹ tài chính nhận diện nhiều cơ hội đầu tư bền vững liên quan đến chuyển đổi năng lượng, dịch vụ tài chính và đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các nước thuộc khu vực này.

Tại Việt Nam, xu hướng đầu tư ESG là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Khái niệm này ngày càng nhận được sự quan tâm của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó dự báo, cũng như chi phí vốn ngày càng đắt như hiện nay.

Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư này nhờ môi trường chính trị ổn định, tiềm năng phát triển năng lượng xanh lớn, tốc độ đô thị hoá cao, cũng như gia tăng tầng lớp trung lưu.

Nhằm thích ứng và bắt kịp xu thế thế giới, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, loại bỏ dần nhiệt điện than vào năm 2040 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam cũng đã đệ trình Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật lần thứ hai vào năm 2022. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường (BAU) và sẽ giảm phát thải thêm 27,7% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.

Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều quy định, chính sách để các doanh nghiệp và các bên liên quan có thể thực hiện ESG một cách hiệu quả như: Nghị quyết 136/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương đến năm 2030; Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc báo cáo thông tin phát triển bền vững đối với các công ty đại chúng và niêm yết; các quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025, phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26,…

Theo dự báo của Fortune Business Insights, thị trường công nghệ xanh và phát triển bền vững toàn cầu sẽ đạt quy mô 61,92 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 20,8% trong giai đoạn 2023-2030. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.

Thu Hằng