Góc nhìn

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón, giúp doanh nghiệp có động lực đổi mới

Hương Lan 18/11/2024 19:23

Theo các chuyên gia, phương án áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón sẽ đảm bảo cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón được nhập khẩu. Đồng thời, đảm bảo lợi ích cho người nông dân và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước ta.

5c56108f54bcefe2b6ad20241117085943.jpg
Các chuyên gia trao đổi về vấn đề áp thuế với phân bón tại Toạ đàm trực tuyến: “Áp thuế GTGT phân bón". Ảnh petrotimes.vn

Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư chi phí sử dụng chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí đầuvào của trồng trọt. Giá phân bón sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân.

Nhằm giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp. Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13 đưa phân bón chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian vừa qua, chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Cụ thể là khiến giá bán phân bón trong nước không những không giảm mà còn tăng lên do phải gánh phần thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào mà doanh nghiệp không được hoàn thuế do không có thuế GTGT đầu ra; tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu; ngành sản xuất phân bón trong nước mất động lực phát triển, có nguy cơ đi thụt lùi; ngân sách nhà nước thất thu...

Do những bất cập nêu trên, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV này. Trong đó, phương án áp thuế GTGT 5% đối với phân bón đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia, nhằm đảm bảo cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón được nhập khẩu, vì lợi ích người nông dân, sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.

Chia sẻ về vấn đề này tại Toạ đàm trực tuyến: “Áp thuế GTGT phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững”, ông Lê Văn Ngân, Chánh Văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: “Trong 10 năm gần đây, kể từ khi Luật Thuế GTGT có hiệu lực năm 2014, việc đầu tư mới cho các dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp phân bón bị chậm lại. Hiện nay, một số nhà máy phân bón lớn là thành viên của Hiệp hội thì dây chuyền sản xuất vẫn rất lạc hậu.

pb1.jpeg
Áp thuế với phân bón vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Do đó, để giúp các doanh nghiệp phân bón trong nước cải thiện dây chuyền sản xuất, quy trình công nghệ, cũng như quá trình nghiên cứu, cải thiện sản phẩm, cần có sự điều chỉnh về thuế GTGT theo hướng của các đại biểu đã phân tích là đưa thuế GTGT từ diện không chịu thuế về diện chịu thuế GTGT 5%, khi đó doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, doanh nghiệp sẽ có động lực đầu tư vào dây chuyền sản xuất mới, hiện đại.

Khi đó, chúng ta sẽ có những cải tiến về năng suất, chất lượng nông sản, sản phẩm của Việt Nam đi ra thế giới sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy, việc áp thuế GTGT 5% sẽ giúp doanh nghiệp có động lực đổi mới, để phân bón Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp phân bón thế giới và doanh nghiệp nhập khẩu phân bón”, đại diện Phân bón Việt Nam nhấn mạnh.

Đối với vấn đề khi áp thuế GTGT 5% liệu có làm tăng giá phân bón, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Doanh nghiệp kinh doanh đều mong muốn thu lợi nhuận cao, mức tối đa. Quan trọng là việc kiểm soát giá của các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm soát giá đầu ra, đầu vào cũng như chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát thị trường; giữ ổn định về giá sau khi thuế được áp dụng.

Khi áp thuế, có thắc mắc doanh nghiệp nước ngoài sẽ cộng 5% vào thuế. Tuy nhiên, họ không thể cộng được vì bản thân doanh nghiệp nước ngoài không tăng giá phân bón trong nước. Họ sẽ phải lấy mức giá sàn của phân bón trong nước để định giá từ đó họ sẽ giảm lợi nhuận lớn thu được so với trước đây.

Khi đã có chiết trừ đầu vào, giá thành thấp đi nhưng lợi nhuận vẫn thu về, sẽ có điều kiện đổi mới máy móc, thiết bị công nghiệp, nghiên cứu nâng cao năng suất, hạ giá thành sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản xuất bền vững; khuyến khích nông dân kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ, vô cơ, tiết kiệm chi phí; đẩy mạnh xanh hoá nông nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp và người nông dân đều được hưởng lợi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Hương Lan