Y tế - Giáo dục

Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp

Thu Hằng 19/11/2024 15:51

Nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (ngày 01/12), Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã tổ chức buổi cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thống kê trong 9 tháng của năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp nhiễm mới HIV và 1.263 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 24 (chiếm tới 40%) và chủ yếu là nam giới quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 42,2%.

cuc-truong-huong.jpeg
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ một số thông tin liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS.

Tại họp báo, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, mặc dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, được thế giới ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Nếu như trước đây, dịch HIV chủ yếu lây qua đường máu thì giờ đây HIV lây qua đường tình dục là chủ yếu. Từ nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm…, những năm gần đây, dịch HIV chuyển sang nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính và người chuyển giới, PGS.TS Phan Thị Thu Hương thông tin.

Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn là nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV.

Ngoài ra, xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng, kèm theo các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp khi quan hệ (chemsex) và quan hệ tình dục tập thể. Điều này không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn lây truyền các bệnh qua đường tình dục, viêm gan B, C… làm tăng gánh nặng cho ngành y tế.

Các nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng, ngoài nhóm MSM, người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội ở nhóm này là 5,8% (năm 2022), trong khi tại TP.HCM, tỷ lệ này tăng từ 6,8% (năm 2004) lên 18% (năm 2016) và 16,5% (năm 2020).

adis-4580.jpg
Chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS 2024 là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Còn theo ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam, dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giảm số ca nhiễm mới, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam nhấn mạnh, cần có sự thay đổi trong cách truyền thông và tiếp cận vấn đề, tập trung vào việc xây dựng hình ảnh tích cực về người sống chung với HIV, giúp họ tự tin đóng góp cho xã hội.

Ông Hailevich bày tỏ hy vọng, với sự chung tay của toàn xã hội, mục tiêu 90% người sống chung với HIV không bị kỳ thị, phân biệt đối xử là hoàn toàn khả thi. Đây không chỉ là cam kết, mà còn là một nhiệm vụ thiết yếu để bảo đảm quyền về sức khỏe cho tất cả mọi người.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được triển khai từ 15/11 - 15/12. Năm 2024, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay điều kiện sống, đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Thu Hằng