Quản trị

Chuyển đổi số trong bán buôn, bán lẻ: Không hành động hôm nay, mất cơ hội ngày mai

Hương Lan 21/11/2024 17:27

Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn, do đó, việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ.

ww__0815.jpg
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Tốc độ phát triển thương mại điện tử tăng 25%/năm

Tại Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định: Bán buôn, bán lẻ đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Trong số này, các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 3,91% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh và 3,19% tổng số lao động; còn doanh thu của 208.995 doanh nghiệp bán buôn chiếm khoảng 27,60% và khoảng 8,76% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực bán buôn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam (với tốc độ tăng trưởng 25%/năm) lĩnh vực bán buôn và bán lẻ sẽ đóng góp vào kinh tế số nhanh nhất.

Đưa ra dẫn chứng, ông Tuấn cho hay, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng. Với thị trường 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.

Trong báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III và dự báo quý IV vừa được Metric - Công ty dữ liệu thương mại điện tử lớn tại Việt Nam - công bố, 9 tháng qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, tổng doanh số đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ 2023, với 2,43 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 49,8% so với cùng kỳ 2023. Riêng quý III, đóng góp 84.750 tỷ đồng, tăng 15,9% so với quý III/2023 với 897 triệu sản phẩm.

Từ đó, theo ông Tuấn, việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ và đẩy mạnh theo hướng đưa toàn bộ hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn.

van-phong-pham3.jpg
Người Việt chi gần 9 tỷ USD mua hàng online trong 9 tháng. Ảnh minh họa

Chỉ có 3,5% doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi số

Tuy nhiên, bán buôn, bán lẻ truyền thống sẽ không thể tồn tại do khả năng cạnh tranh thấp, tiếp cận thị trường hạn chế; không cạnh tranh được với các địa phương khác hay các nước xung quanh.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá tình hình chuyển đổi số của doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. Cụ thể, đánh giá tại quận Phú Nhuận, TP HCM với 200 doanh nghiệp bán lẻ, hộ kinh doanh, song chỉ có 3,5% số doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi số.

“Như vậy còn khoảng 96% doanh nghiệp, cửa hàng, chợ truyền thống chưa sử dụng và là một thị trường rất lớn, do đó nếu không triển khai nhanh thì sẽ mất các thị trường đó vào các nhà cung cấp nước ngoài,” ông Tuấn lo ngại.

Trong khi đó, chuyên gia này cũng nêu ra thách thức lớn hơn trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó nổi lên như Shein, Temu… của Trung Quốc, có tốc độ giao hàng rất nhanh và thuận tiện… đã thu hút một lượng lớn khách hàng Việt Nam sử dụng sản phẩm thương mại điện tử của nước ngoài, dẫn đến hệ lụy là không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới các cửa hàng bán buôn, bán lẻ phải đóng cửa.

“Đã có nhiều chợ truyền thống của Việt Nam hay các shop bán hàng phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh với hàng bán qua thương mại điện tử, dần dần sẽ bị lấn lướt, vì vậy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ rất cấp thiết,” đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý.

Để tận dụng các cơ hội thị trường, theo ông Trần Minh Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương đang thúc đẩy triển khai tại 6 nhà cung cấp với đầy đủ hệ sinh thái (từ đưa hàng hóa lên mạng, thanh toán, kho vận, các dịch vụ liên quan đến logistics như kho lạnh, thông quan, hải quan khi có hàng hóa xuất qua biên giới) nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh để nhanh chóng đón đầu xu hướng chuyển đổi số.

Ngoài ra, liên bộ đã thống nhất, tất cả các nền tảng, giải pháp mà 6 doanh nghiệp cung cấp sẽ được miễn phí trong vòng 6 tháng để các hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ có thể làm quen với các giải pháp ở đó và được tư vấn trực tiếp bởi các nhà cung cấp dịch vụ qua các kênh nóng, qua chatbox, qua điện thoại để được hướng dẫn, đồng thời các doanh nghiệp cung cấp các nền tảng bán buôn, bán lẻ sẽ đặt các quầy thông tin ở các chợ, các đầu mối để các hộ kinh doanh có thể trực tiếp đến hỏi.

Đồng thời, ông Trần Minh Tuấn cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các Tổ chuyển đổi số cộng đồng đẩy mạnh hỗ trợ các hộ kinh doanh sử dụng các nền tảng số ngay trên smart phone, đồng thời sau khi hết thời gian miễn phí, xây dựng các gói dịch vụ giá hợp lý để các hộ kinh doanh sử dụng, đây sẽ là giải pháp thiết thực hỗ trợ họ sẵn sàng chuyển đổi số.

Hương Lan