TP.HCM xin cơ chế xóa nợ quá hạn cho doanh nghiệp phá sản
Theo UBND TP.HCM, do việc vay vốn tại TP mang tính lịch sử và đặc thù riêng nên các khoản nợ bị rủi ro chưa đáp ứng đủ các điều kiện xử lý theo quy định hiện hành.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.
Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM, có khoảng 3.944 hồ sơ, với số tiền hơn 82 tỷ đồng là những khoản nợ chủ yếu đã được khoanh nợ nhiều lần và đã qua nhiều năm.
Nguyên nhân chủ yếu do các hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh (nuôi, trồng, buôn bán nhỏ lẻ) nhưng trình độ, nhận thức hạn chế dẫn đến bị thua lỗ nhiều năm liên tục, vốn vay bị mất dần theo thời gian, thậm chí mất 100% vốn, không có khả năng trả nợ; đã được kéo dài thời gian trả nợ, được khoanh nợ nhiều lần, nay hết thời gian kéo dài trả nợ hoặc hết thời gian khoanh nợ.
Hoặc, các khoản nợ vay Quỹ xóa đói giảm nghèo trước đây của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ kinh doanh gặp rủi ro nhưng không có đủ hồ sơ, giấy tờ, đã ngừng hoạt động, tự tan rã, giải thể, phá sản nhiều năm nhưng không có giấy tờ để chứng minh, không có người làm thủ tục xử lý nợ; đã được UBND Thành phố cho phép khoanh nợ nhiều lần, nay đã hết thời gian nhưng vẫn không có khả năng trả nợ.
Hoặc người vay vi phạm pháp luật, bị kết án tù nhiều năm, không có người thừa kế; Khoản vay phát sinh nhiều từ năm trước, khi nhận bàn giao không còn hồ sơ vay, Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ trên địa chỉ danh sách bàn giao để thu hồi nhưng thực tế không xác định được địa chỉ của người vay, không biết thông tin về người vay hoặc người vay không nhận nợ nhưng không có hồ sơ để đối chứng….
Với các trường hợp trên, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng cho phép Thành phố được quy định xử lý nợ các trường hợp nợ bị rủi ro phát sinh do nguyên nhân mang tính chất đặc thù.
Đồng thời UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh, bổ sung quyết định 50 về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội và quyết định sửa đổi, bổ sung sau đó.
Trong đó cần có quy định cho phép chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quy định xử lý nợ rủi ro với các khoản vay từ vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội do những nguyên nhân mang tính đặc thù của địa phương nhưng chưa có quy định để xử lý nợ.