Chuyên gia kinh tế: Giảm thuế VAT 2%, người tiêu dùng được hưởng lợi đầu tiên
Nếu tiếp tục được giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2025, những tờ hoá đơn của người tiêu dùng sẽ rẻ hơn, họ mua được nhiều hàng hơn. Về phía các doanh nghiệp cũng sẽ tăng doanh thu.
Bộ Tài chính đang đề xuất xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đề xuất, thuế VAT sẽ được giảm 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, tức là mức thuế mới sẽ là 8%.
Chính sách này dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025, với tổng số thu ngân sách Nhà nước dự kiến giảm khoảng 25.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, giảm thu ngân sách ở khâu nội địa ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng/tháng, trong khi giảm thu từ khâu nhập khẩu là khoảng 1.500 tỷ đồng/tháng.
Đánh giá về chính sách này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, do tình hình đại dịch Covid-19 cũng như quá trình phục hồi sau khi qua đại dịch là khoảng thời gian dài, chính sách giảm 2% thuế VAT đã thực hiện được nhiều năm.
Thời điểm hiện nay, chúng ta có thể xem xét để quay trở lại chế độ bình thường khi nền kinh tế đã có thời gian phục hồi tương đối lâu. Tuy nhiên, với những quyết tâm của Chính phủ và mong muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã tiếp tục đề xuất Chính phủ để đưa lên Quốc hội giảm 2% VAT trong 6 tháng đầu năm 2025.
Theo ông Thịnh, đây là sự cố gắng bởi giảm thuế VAT thì có nghĩa là giá hàng hoá tiêu dùng trong nước giảm đi. Đối với doanh nghiệp khi thuế VAT giảm 2% thì thuế VAT đầu vào cũng giảm đi, giá nguyên vật liệu cũng rẻ hơn. Nếu bán theo giá hiện nay, doanh nghiệp thu thêm được lợi nhuận, từ đó có thêm nguồn lực để tái sản xuất tốt hơn. Việc giảm thuế, người tiêu dùng cũng tích cực mua hàng hóa hơn, từ đó doanh nghiệp có cơ hội bán hàng tốt hơn, giảm bớt hàng tồn. Qua đó, giúp hoạt động kinh doanh được trôi chảy.
Trên cơ sở này, vị chuyên gia cho rằng, hoạt động giảm 2% thuế trước hết mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, giá rẻ hơn, nhiều hàng hóa hơn. Đó là những cái thấy được ngay. Về phía doanh nghiệp cũng được lợi vừa giảm được phí đầu vào, giảm giá thành, có lợi nhuận cao hơn, có điều kiện hỗ trợ phát triển kinh doanh sản xuất và thực hiện nhiệm vụ khác của doanh nghiệp như khuyến mãi, hậu mãi đến yêu cầu sắp xếp đổi mới doanh nghiệp…
Chính sách giảm thuế VAT là tín hiệu tích cực cho người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, về phía Nhà nước việc giảm thuế 6 tháng sẽ phải chi phí một khoản lớn, tức là ngân sách Nhà nước hụt thu do đó phải tăng vai trò của nền kinh tế quốc dân. Đây là sự cố gắng của Chính phủ trong việc hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế, rõ ràng chúng ta chấp nhận hụt thu lớn hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình hồi phục trong 2025 tốt hơn.
Để giảm thiểu hụt thu ngân sách Nhà nước, chuyên gia kinh tế phân tích, trong năm 2024, thấy rằng việc thu thuế có thể vượt kế hoạch Nhà nước đề ra khoảng 10-12%. Nguyên nhân của việc tăng thu cũng được thấy rõ. Thực tế, việc xuất nhập khẩu tốt hơn người ta cũng tăng cường đóng góp thuế.
“Nhưng vấn đề quan trọng nhất là việc số hóa hoạt động về tinh thần nộp thuế và thu thuế bằng việc số hóa. Từ đó người nộp thuế cũng dễ dàng hơn trong việc tính toán nộp thuế. Việc trốn thuế ít đi nên chúng ta có nguồn thu tăng lên một cách đáng kể. Vì vậy, trong thời gian tới việc số hóa các hoạt động của cơ quan thuế, cơ quan hải quan cần được đẩy mạnh”, ông Thịnh chia sẻ.
Chuyên gia nhấn mạnh, đặc biệt cần chú trọng hơn vào thuế thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là nguồn thu đáng kể trong thời gian vừa qua, từ mức vài nghìn tỷ/năm lên trăm nghìn tỷ. Rõ ràng cái nào làm tốt thì cần thúc đẩy để thuế thương mại điện tử tăng cao hơn và sẽ đỡ phần thâm hụt ngân sách Nhà nước.
“Theo xu hướng Chính phủ, Quốc hội mong muốn đó là cần phải tiết giảm chi tiêu thường xuyên từ việc thực hiện tinh giảm bộ máy biên chế. Việc này cũng đỡ phần thâm hụt ngân sách Nhà nước. Đó là điều mà tôi nghĩ cơ quan Chính phủ, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh để vừa giúp tăng nguồn thu và vừa giảm khoản thâm hụt”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói thêm.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Bộ Tài chính việc xây dựng Nghị quyết giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025. Đồng thời, nếu giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025, dự kiến số giảm thu ngân sách khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Việc giảm thuế góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Như vậy, nếu đề xuất giảm thuế GTGT lần này được thông qua thì đây là lần thứ 5 Việt Nam thực hiện giảm thuế GTGT để thúc đẩy tiêu dùng, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.