Quản lý các doanh nghiệp phải phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế
Phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quản lý các doanh nghiệp cần phải phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.
Khi đánh giá doanh nghiệp cần xem xét tổng thể
Phát biểu tại thảo luận tổ ngày 23/11 về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước có nhiều thay đổi theo các giai đoạn lịch sử và yêu cầu đặt ra trong từng bối cảnh.
Theo Thủ tướng, Nhà nước từng có Tổng công ty 90, 91 và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn, rồi sau đó tách bạch quản lý nhà nước và quản lý vốn ra như hiện nay. Các mô hình cho đến giờ này vẫn chưa ổn định vì đất nước đang trong quá trình phát triển. Nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn nhỏ và chưa thể định hình mô hình thật phù hợp.
Thủ tướng nhấn mạnh cách thức hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và quy luật cạnh tranh. Nếu can thiệp bằng biện pháp hành chính làm méo mó thị trường và trái với quy luật, tư duy phát triển của nền kinh tế. Ông cho rằng quản lý các doanh nghiệp phải phù hợp cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế trong các điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Vì vậy khi sửa đổi Luật này, Chính phủ đề xuất kế hoạch kinh doanh giao cho Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Việc này giúp doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về nguồn lực và các quyết định đầu tư kinh doanh, phát huy hiệu quả của nguồn vốn của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ phát huy vai trò định hướng và áp dụng công cụ kiểm tra, kiểm soát để chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội đồng quản trị có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Để làm được điều này, Thủ tướng nhấn mạnh công cụ pháp luật phải rõ để cán bộ sáng tạo, quyết tâm làm, để họ không sợ.
Điểm nổi bật của dự luật, theo Thủ tướng, là "đánh giá tổng thể chứ không đánh giá từng việc cụ thể". Dẫn câu chuyện của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay, Thủ tướng cho rằng không nhất thiết cái gì cũng phải đấu thầu, song họ làm vẫn đúng, vẫn hiệu quả. "Chúng ta cái gì cũng đấu thầu, nhưng cuối cùng đều quân xanh, quân đỏ và kỷ luật liên tục. Mình phải rút ra quy luật. Tại sao tư nhân không đấu thầu, cứ có năng lực là làm được, không phải xin xỏ", lãnh đạo Chính phủ nói.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng đối với doanh nghiệp Nhà nước khi đánh giá cần xem xét tổng thể giá trị họ mang lại chứ không đánh giá từng việc một. Mười quyết định đưa ra, có thể là 7, 8 việc đúng một, hai việc sai. Theo ông, đây là thực tiễn trong kinh doanh là "phải có được, có mất, không bao giờ được cả". Với dự án Luật này, ông cho rằng cần nghiên cứu đánh giá theo quá trình nào cho phù hợp, có thể theo năm hoặc theo nhiệm kỳ vì kết quả không đến trong ngày một ngày hai.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách rà soát kỹ dự án Luật, trên tinh thần phân cấp, quản lý theo đúng quy luật của thị trường và thiết kế công cụ để tránh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khuyến khích đổi mới sáng tạo, cho không gian để cán bộ làm.
Để cán bộ không sợ sai, sợ trách nhiệm
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank cho rằng, nếu đi vào quản lý từng hành vi của doanh nghiệp, sẽ dẫn đến việc cán bộ chỉ sợ sai, sợ trách nhiệm. Nhà nước lúc nào cũng "sợ buông ra", quy định thẩm quyền hẹp nhất để dễ quản lý. Việc này dẫn đến mất quyền chủ động, khả năng cạnh tranh kém. Trong khi đó, sai phạm tại doanh nghiệp Nhà nước vẫn xảy ra, lãnh đạo bị xử lý và tiền vẫn mất.
Tuy nhiên, đại biểu Ấn cho rằng dự thảo vẫn thiếu những cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước phát huy vai trò đầu tàu, tiên phong, dám nắm bắt cơ hội, dám đầu tư vào các lĩnh vực mà tư nhân không dám làm. Theo ông, đối với những doanh nghiệp này, Nhà nước không nên đặt nặng mục tiêu lợi nhuận đơn thuần. Thay vào đó, vai trò của họ là khai phá giá trị mới cho nền kinh tế, mang tính đột phá ở các lĩnh vực công nghệ số, công nghiệp phụ trợ, thay thế hàng nhập khẩu.
"Có những lĩnh vực mà hiện nay Việt Nam mới sản xuất được mỗi chiếc bu lông. Vì vậy, chúng ta cần có những doanh nghiệp Nhà nước thực hiện mục tiêu chính sách nhà nước, có vai trò chiến lược với định hướng dài hơi rất rõ ràng", đại biểu đề nghị.