Diễn đàn pháp lý

Loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vật liệu xây dựng

Thu Hằng 26/11/2024 06:40

Ngày 16/12 tới đây, Thông tư 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành sẽ chính thức có hiệu lực.

Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm loại bỏ sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vật liệu xây dựng. Từ đó, giúp doanh nghiệp trong nước vững tin và yên tâm đầu tư, sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Tiến sỹ Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có những chia sẻ xung quanh nội dung này.

Xin ông cho biết, ngành vật liệu xây dựng đang phải đối mặt với những khó khăn gì, đặc biệt là sự cạnh tranh không lành mạnh khi ranh giới chất lượng hàng hóa còn bị “lẫn lộn”?

Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam có năng lực sản xuất rất mạnh mẽ và đã xuất khẩu thành công nhiều sản phẩm chủ lực như xi măng, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, kính xây dựng sang các thị trường quốc tế. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2021, các sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam đã được tiêu thụ rất tốt và đạt được nhiều thành tựu.

vat-lieu-251124.jpeg
Tiến sỹ Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).

Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như xi măng, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh và kính… đã gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ. Bộ Xây dựng đã tổng kết và báo cáo tình hình lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã chủ trì hội nghị toàn quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng bền vững.

Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả và hàng nhái. Những sản phẩm này đã xâm nhập vào thị trường và cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam; thậm chí đó là những sản phẩm đã được quốc tế công nhận, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng và xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới.

Để giải quyết tình hình này, Bộ Xây dựng đã thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, nhằm đảm bảo chất lượng công trình xây dựng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người dân sẽ được sử dụng những sản phẩm đạt chất lượng theo quy định.

Với thực trạng như vậy, Thông tư 10/2024/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 1/11/2024 và có hiệu lực từ ngày 16/12/2024 sẽ giải quyết những vấn đề mấu chốt. Thông tư này phân định đầy đủ 26 nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng. Các sản phẩm thuộc nhóm 2 phải thực hiện công tác hợp quy, trong khi các sản phẩm nhóm 1 sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, Thông tư này sẽ tăng cường khâu quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng từ trung ương đến các địa phương, đảm bảo rằng các sản phẩm chất lượng tốt được tiêu thụ đúng quy định pháp luật, còn những sản phẩm chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái sẽ bị phân loại và xử lý vi phạm. Mục tiêu là thúc đẩy năng lực sản xuất và thương hiệu quốc gia của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên toàn quốc và ra thế giới.

Khi có sự cạnh tranh không lành mạnh và hàng hóa, sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng kém sẽ để lại thiệt hại lớn cho chính các công trình xây dựng. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Xây dựng có cảnh báo gì về vấn đề này?

Khoảng 1-2 năm trở lại đây, Bộ Xây dựng nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh từ các hội nghề nghiệp như Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hiệp hội Bê tông Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề khác chủ yếu xoay quanh vấn đề cạnh tranh không lành mạnh; đặc biệt là sự lẫn lộn giữa các sản phẩm kém chất lượng.

Ví dụ, trong ngành xi măng, một số cơ sở sản xuất chưa đủ năng lực về trang thiết bị và nhân lực nhưng vẫn đưa ra thị trường những sản phẩm có tên gọi, nhãn mác gần giống với các sản phẩm chất lượng cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng, nhà thầu và nhà đầu tư khi lựa chọn sản phẩm cho công trình.

Ngoài ra, có hiện tượng các công trình sử dụng sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chất lượng kiểm soát chưa tốt, gây khó khăn cho việc đảm bảo chất lượng công trình theo thời gian. Trước tình hình đó, Thông tư 10 đã đưa ra những giải pháp để phân loại, phân nhóm chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, đảm bảo công trình và cuộc sống người dân sử dụng vật liệu an toàn và chất lượng.

Bởi các vật liệu chủ lực như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng nếu không được kiểm soát chất lượng có thể gây thiệt hại lớn cho ngành xây dựng. Đơn cử như nếu công trình sử dụng vật liệu không đạt chất lượng có thể phải sửa chữa, bảo trì sau một thời gian, tốn kém chi phí lên đến 10-15% giá trị công trình.

Vật liệu xây dựng chiếm khoảng 60-70% chi phí công trình. Nếu vật liệu không đảm bảo chất lượng, chi phí sửa chữa, thay thế có thể lên tới 50% giá trị vật liệu ban đầu. Với các công trình có tổng giá trị 100 tỷ đồng, chi phí sửa chữa có thể lên tới 40 tỷ đồng nếu sử dụng vật liệu kém chất lượng.

Còn về phía người tiêu dùng, họ sẽ được “bảo hộ” ra sao khi Thông tư 10 có hiệu lực và cách thức xác minh chất lượng sản phẩm khi đi mua vật liệu xây dựng?

Sau khi Thông tư 10 được ban hành, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi lớn trong việc lựa chọn sản phẩm chất lượng. Theo Thông tư, tất cả các sản phẩm hàng hóa trên thị trường phải công bố rõ ràng về chất lượng. Đặc biệt, các sản phẩm thuộc nhóm 2 phải có giấy chứng nhận hợp quy, đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn chất lượng.

Người tiêu dùng có thể yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận hợp quy và thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để yên tâm sử dụng. Sản phẩm nào không có giấy chứng nhận hợp quy hoặc không công bố tiêu chuẩn sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường, giúp người tiêu dùng tránh được các sản phẩm kém chất lượng.

Khi đi mua vật liệu xây dựng, người tiêu dùng cần quan tâm đến 3 yếu tố chính: nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận hợp quy và công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Các cơ sở kinh doanh phải cung cấp thông tin đầy đủ về 3 yếu tố này. Ví dụ, nếu sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản, phải có chứng nhận của đơn vị đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam.

Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, người tiêu dùng cần kiểm tra giấy chứng nhận hợp quy để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng. Sau khi Thông tư 10 được ban hành, các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt và cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng sản phẩm, nếu không sẽ bị xử lý vi phạm.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Người tiêu dùng có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin về nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận hợp quy và công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Các cửa hàng vật liệu xây dựng phải cung cấp đầy đủ thông tin này theo quy định pháp luật. Người tiêu dùng cũng có thể sử dụng các công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm như mã QR để kiểm tra thông tin về sản phẩm trước khi quyết định mua.

Vậy các đơn vị vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa ông?

Các đơn vị vi phạm sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm. Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bao gồm cả các vi phạm về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng. Các cơ sở không thực hiện công bố chất lượng, không cung cấp giấy chứng nhận hợp quy, hoặc không tuân thủ các quy chuẩn sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Mục đích chính của Thông tư là quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trong 5 quá trình hoạt động để tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng. Cụ thể là sản xuất - xuất khẩu - nhập khẩu - lưu thông trên thị trường và sử dụng. Từ đó, sàng lọc các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng chất lượng tốt và những sản phẩm, hàng hoá có chất lượng chưa tốt để quản lý, xử lý vi phạm (nếu có). Đồng thời, chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, sinh hoạt của người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng