Kinh tế

Cân nhắc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh gây "sốc" cho doanh nghiệp bia

Thu Hằng 27/11/2024 19:22

Mới đây, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương tổ chức Hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia Việt Nam”.

Hai phương án đề xuất

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Trong đó, Luật sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất.

Phương án 1 sẽ tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 90%.

Phương án 2 sẽ tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 100%.

a1.1.jpeg
Hội thảo Công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”.

Báo cáo đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 6.600 doanh nghiệp đồ uống. Từ năm 2016 tới 2023, mỗi năm các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 48 – 56 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Trong đó, ngành bia đóng góp khoảng 70%.

Do đó, ngành bia có, vị trí, vai trò rất lớn trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách thông qua các khoản thuế trực tiếp từ sản xuất bia và các khoản khác qua những hoạt động liên quan như dịch vụ phân phối bán lẻ, bao gồm cả dịch vụ xuất nhập khẩu.

Báo cáo cũng chỉ ra bình quân giai đoạn 2018-2022, ngành đồ uống đã tạo gần 87.000 việc làm trực tiếp và hàng triệu cơ hội việc làm gián tiếp thông qua hơn 5 triệu hộ kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống. Trong đó, ngành bia đóng góp hơn 50% lực lượng lao động ngành đồ uống.

Cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng

Các phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất sẽ có tác động vô cùng lớn tới doanh nghiệp ngành bia.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia sẽ thay đổi nhận thức người dân, cũng như đóng góp cho ngân sách. Vì vậy, công tác đánh giá tác động của việc tăng thuế có vai trò rất quan trọng để từ đó đi đến một phương án phù hợp, bảo đảm các mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu, tránh gây sốc thị trường, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, trưởng nhóm nghiên cứu Viện Quản lý kinh tế Trung ương và Tổng cục Thống kê nhận định, việc tăng thuế theo 2 phương án Bộ Tài chính đề xuất sẽ có tác động kinh tế - xã hội trực tiếp tới ngành bia và 21 ngành liên quan khác, cũng như GDP và tăng trưởng GDP, tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, thu ngân sách nhà nước…

bia-ruou-crop-1719989842994.jpeg
Ảnh minh họa.

Cũng theo bà Thảo, để có một phương án phù hợp nhất, cần có một báo cáo đánh giá định lượng toàn diện các tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia dựa trên các cơ sở khoa học, tình hình thực tế về kinh tế và an sinh xã hội, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa các mục tiêu để bổ sung thêm thông tin giúp Quốc hội, Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách xem xét một phương án tăng thuế phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam bày tỏ đồng tình với quan điểm điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu, song cần lộ trình cho phù hợp.

Theo bà Cúc, phương án 1 theo đề xuất của Bộ Tài chính đề nghị tăng 5% thuế là tương đối hợp lý, nhưng thời gian áp dụng và lộ trình cần tính toán làm sao để doanh nghiệp có thời gian lập kế hoạch kinh doanh.

Bà Cúc cũng nêu quan điểm, nếu chỉ tăng thuế, tăng giá bia thì cũng không quá kỳ vọng là sẽ giảm tiêu dùng bia, vì người tiêu dùng sẽ thay đổi hành vi tiêu dùng. Thuế chỉ là biện pháp một phần, phải kết hợp hài hòa các biện pháp thuế với biện pháp hành chính như Nghị định 100, vừa cần có lộ trình, trong đó đi kèm nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa có tác động hài hòa lợi ích các bên.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của HEINEKEN Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất bị tăng lên, tiêu dùng giảm… khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn. Do đó, việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải được xem xét toàn diện, thấu đáo.

Bà Trần Ngọc Ánh phân tích trong các phương án Bộ Tài chính đề xuất đều gây tác động tới nền kinh tế, phương án 2 tác động mạnh nhất. Vì vậy, cần có một phương án hài hòa để đạt được các mục tiêu ngân sách, bảo vệ sức khỏe, đảm bảo môi trường kinh doanh, phù hợp với bối cảnh kinh tế, thực trạng doanh nghiệp và để doanh nghiệp có khả năng trụ vững.

Thu Hằng