Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia.
Ngày 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khái quát nhiều kết quả quan trọng của kỳ họp thứ 8 vừa bế mạc.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc đã thông qua với tỷ lệ tán thành cao chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương...
Đặc biệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ mà được hoạch định trên góc nhìn tổng thể, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
"Đây không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa phận 20 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Quốc hội quyết nghị đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị.
Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha. Khi thực hiện dự án, dự kiến có khoảng 120.836 người tái định cư.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 1,713 triệu tỉ đồng (tương đương hơn 67 tỉ USD).
Quốc hội quyết nghị, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.