Y tế - Giáo dục

Học sinh miền Nam trên đất Bắc: Dấu ấn lịch sử đặc biệt

Dương Dũng 28/11/2024 21:48

Việc thành lập hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng mà còn nói lên tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục đối với con em đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Vườn ươm đặc biệt

Ngay từ khi đang thương lượng Hiệp định Geneve năm 1954, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã dự cảm, nhìn nhận trước về một cuộc trường chinh dân tộc còn gian khổ, kéo dài. Để miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng với việc tập kết bộ đội và cán bộ miền Nam ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ chủ trương đưa học sinh là con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập với tầm nhìn chiến lược là xây dựng lực lượng cán bộ kế cận cho cách mạng.

anh1-hoc-sinh-mien-nam.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên giáo viên Trường Học sinh Miền Nam 18 Hưng Yên (ngoài cùng bên phải hàng trên) chụp ảnh cùng các học sinh.

Trong suốt 21 năm (1954-1975), hơn 32.000 học sinh miền Nam đã lần lượt theo xe bộ đội, đi tàu thủy, máy bay, đi bộ vượt dãy Trường Sơn… ra miền Bắc học tập. Bộ Giáo dục (cũ) và các bộ, ngành liên quan được giao nhiệm vụ xây dựng những trường nội trú dành riêng cho học sinh miền Nam ăn học. Đã có 28 trường học sinh miền Nam (tên trường được gọi theo số thứ tự từ 1 đến 28) được thành lập ở các địa phương xung quanh Hà Nội. Ngoài ra, còn có các trại nhi đồng miền Nam, khu học xá ở Quế Lâm, Nam Ninh (Trung Quốc) và hàng nghìn học sinh được gửi đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Những “hạt giống đỏ” được ươm trồng trên đất Bắc sau này đã quay về xây dựng miền Nam, trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người trong số họ đã thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân có uy tín, đóng góp nhiều cho xã hội.

Năm 1975, đất nước thống nhất, các học sinh miền Nam trở lại quê hương tiếp tục học tập, công tác; một số ở lại miền Bắc làm việc và xây dựng gia đình. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc cũng hoàn thành sứ mệnh. Cuộc dịch chuyển học sinh quy mô lớn nhất lịch sử được đánh giá thành công trên cả ba phương diện: Rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo lâu dài.

Ký ức và khát vọng dựng xây Tổ quốc

Cuối tháng 10 vừa qua, Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, 55 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện di chúc Bác Hồ.

anh2-hoc-sinh-mien-nam.jpg
Các đại biểu là các thế hệ học sinh Miền Nam trên đất Bắc tham dự lễ kỷ niệm.

“Trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta đã dành những gì tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, về cơ sở vật chất của miền Bắc thời đó để ưu tiên cho học sinh miền Nam. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được sự chăm sóc, sự nuôi dạy tận tình của thầy cô giáo, cùng với sự cố gắng vươn lên của bản thân mỗi học sinh miền Nam, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”, chúng ta đã đào tạo, rèn luyện được lớp người có tài năng và trí tuệ, có bản lĩnh và ý chí, có lý tưởng và hoài bão, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa xúc động phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Ông cũng bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng, các cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, lan tỏa niềm tự hào là học sinh miền Nam để các thế hệ mai sau không ngừng phấn đấu noi theo.

“Một lần nữa, học sinh miền Nam chúng tôi lại được về với miền Bắc thân yêu. Nơi tuổi thơ của chúng tôi đã sống xa gia đình, quê hương được Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc chăm lo, nuôi dạy; thầy, cô cho chúng tôi từng miếng ăn, giấc ngủ đến việc học hành để chúng tôi có được ngày hôm nay”, ông Huỳnh Như Mễ (nguyên cán bộ Công an Quận Hải Châu, Đà Nẵng; cựu học sinh Trường Học sinh miền Nam số 18 Hưng Yên) xúc động chia sẻ tại lễ kỷ niệm.

Những ký ức như thước phim quay chậm được ông Mễ kể: “Đó là những tháng ngày không thể nào quên! Ngày ấy cách đây đã hơn 50 năm… Mảnh đất vùng B Đại Lộc quê tôi ngày đêm đạn cày, bom xới, tan hoang. Tôi vẫn còn nhớ, những ngày tháng 7/1970…”.

Những dòng kỷ niệm được ông Mễ dần kể: “Tôi và người bạn trên mình chỉ vỏn vẹn một chiếc quần cộc, ngồi co ro giữa nền nhà vừa cháy trụi, hai mắt khô rát và cay xè. Chập choạng tối hôm đó, khi các anh du kích xã tìm về xóm để xem xét tình hình thì gặp được hai chúng tôi, mừng hết lớn, nói không nên lời… Sau đó, chúng tôi được các anh du kích đưa về lán trại của các anh tại bìa rừng. Vài ngày sau, người bạn tôi được cha tìm đến đưa đi, còn tôi không còn ai để nhận về, được các anh du kích xã động viên an ủi ở lại giúp các anh lo cơm nước và một số công việc khác…”.

Một ngày tháng 3/1973, ông Mễ được thông báo “chuẩn bị hành trang ra miền Bắc học tập”. Qua lời ông kể, hành trình ra Bắc của ông là “xuyên rừng, lội suối ngày đi đêm nghỉ, vô cùng gian nan, vất vả”. “Ba tháng trôi qua, vào một ngày tôi không còn nhớ rõ, đoàn chúng tôi cũng đặt chân lên đất Bắc, tại một địa điểm thuộc tỉnh Nghệ An. Chúng tôi tiếp tục lên tàu lửa ra Hà Nội. Nơi tiếp đón chúng tôi là: Ban Thống nhất Trung ương T64 Hà Nội”, ông Mễ nói.

anh3-hoc-sinh-mien-nam.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên giáo viên Trường Học sinh miền Nam 18 Hưng Yên chụp ảnh cùng các học sinh.

Sau đó, ông được đưa về Trường Học sinh Miền Nam số 18 Hưng Yên để học văn hóa. Tôi bắt đầu làm quen với những chữ cái A, B, C… “Nhớ lúc mới về trường 10/1973, cô giáo chủ nhiệm của tôi là cô Nguyễn Thị Thu Thủy mới chừng 20 tuổi, học trò tầm 12,13 tuổi, chưa biết chữ nào, ngôn ngữ thì khó nghe... nhưng các thầy cô của trường đã hết lòng dạy bảo, lo từng bữa ăn, giấc ngũ cho chúng tôi như những người cha, người mẹ... Công ơn này tôi mãi mãi không thể nào quên”, ông Mễ bồi hồi.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 1K, Trường Học sinh miền Nam số 18 Hưng Yên có ông Huỳnh Như Mễ là cựu học sinh, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu giáo viên, nay đã gần 80 tuổi) nhớ lại: “So với các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc thì trường 18 ra đời muộn hơn. Bộ khung của Trường ban đầu là các thầy, cô giáo từ Quế Lâm chuyển về, một số thầy, cô giáo điều chuyển từ các nơi khác về và một số được tuyển mới vào để giảng dạy các cấp học”, bà Thủy chia sẻ.

“Có lẽ khi ấy tôi cảm nhận rõ ràng sự khác biệt trong phong cách học tập, lời ăn tiếng nói, và cả những khó khăn mà học sinh miền Nam phải đối mặt khi sống xa gia đình, trong một môi trường mới lạ. Tôi nhìn thấy trong mắt các em ánh lên sự cố gắng, sự bỡ ngỡ nhưng cũng đầy kiên cường. Những câu chuyện về quê hương, về những gì mà các em đã trải qua trên đường di tản, luôn làm trái tim tôi xót xa. Nhưng cũng chính vì vậy, tôi càng thêm yêu quý các em, không chỉ đơn thuần là sự dạy dỗ, mà còn là sự bao bọc, che chở như những đứa con của mình, là những lời động viên, là những buổi trò chuyện thấu hiểu, để các em cảm nhận được sự ấm áp của tình thầy trò giữa đất Bắc xa xôi”, bà Thủy không cầm được nước mắt khi nhớ về những kỷ niệm, những học sinh đã không còn nữa.

Cũng vào cuối tháng 10 vừa qua, tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024) và khánh thành Khu lưu niệm với chủ đề “Quê Thanh: Nghĩa Bắc - Tình".

Công trình Tượng đài “Con tàu tập kết” của Học sinh miền Nam đã được khánh thành tại TP. Sầm Sơn góp phần khẳng định ý chí, quyết tâm của các thế hệ học sinh miền Nam trong học tập, làm theo lời dạy của Bác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết đất nước, phục vụ nhân dân.

Dương Dũng