Thương hiệu - Sản phẩm

Chương trình OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững

PV 03/12/2024 21:48

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành một trong những giải pháp trong việc phát triển kinh tế nông thôn. Với mục tiêu phát triển sản xuất gắn với kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, chương trình OCOP đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Chủ thể sản phẩm OCOP ở Hà Nội giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất, chế biến an toàn đến khách hàng. Ảnh: TTXVN

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương, thông qua chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể (hợp tác xã) thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu như đào tạo, tập huấn, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Chương trình đề ra mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều này góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, đồng thời thực hiện hiệu quả các tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Sau thời gian triển khai, số lượng sản phẩm OCOP tham gia và được công nhận ngày càng gia tăng, với nhiều sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn), cà phê Bích Thao (Sơn La), đường thốt nốt Palmania (An Giang), gạo ST24 (Sóc Trăng), gạo đặc sản Thiên Vương (An Giang), chè hữu cơ Bản Liền (Lào Cai), miến dong Việt Cường (Thái Nguyên), mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa), Ladoactiso cao ống (Lâm Đồng), cà phê rang xay Darmark (Kon Tum), muối NADISALT (Nam Định)…

Điều này không chỉ góp phần tăng doanh thu, thu nhập cho các chủ thể sản xuất, mà còn thúc đẩy hình thành các vùng du lịch OCOP, phục vụ phát triển du lịch địa phương.

Hiện tại, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Cả nước đã có trên 14.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao.

Riêng Hà Nội, sau 4 năm triển khai, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.758 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.255 sản phẩm 3 sao. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 47 sản phẩm OCOP thuộc 5 quận, huyện. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Hiện các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với số lượng sản phẩm OCOP chiếm hơn 30% tổng lượng sản phẩm OCOP của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai với hơn 18%, tiếp đến là miền núi phía Bắc chiếm hơn 16%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với sản phẩm chỉ chiếm khoảng 6%.

Đến nay, cả nước có 7.846 chủ thể tham gia OCOP, trong đó hợp tác xã chiếm 32,8%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 22,7%, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh chiếm 38,6%. Đặc biệt, đã có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, góp phần chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu.

Rõ ràng, Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, giúp các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất, dịch vụ và du lịch, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

PV