Hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp, vượt mặc cảm cùng đất nước phát triển
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của người khuyết tật. Giúp cộng đồng những người khuyết tật có thể tham gia sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ngày 03/12, Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chương trình gặp mặt các nhóm yếu thế, người khuyết tật nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật với chủ đề "Lan tỏa giá trị, kết nối yêu thương".
Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7 % dân số từ 2 tuổi trở lên, tuy nhiên chỉ có gần 32% người khuyết tật có việc làm. Trong đó, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, vốn gặp rất nhiều rào cản trong việc sử dụng công nghệ số.
Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng thực sự đã mở ra nhiều cơ hội cho người khuyết tật khởi nghiệp, phát huy được khả năng và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Tại lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược, bên cạnh việc nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm người khuyết tật với phương châm không để ai lại phía sau.
Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động tinh thần "Tự hào Việt Nam", chương trình vì sự phát triển cộng đồng và chính thức bảo trợ 8 nhóm yếu thế gồm: Nhóm Hợp ca Hy vọng, Vụn Art, Thương Thương Handmade, KymViet, Hợp tác xã Tâm Ngọc...
Tại chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của người khuyết tật. Giúp cộng đồng những người khuyết tật có thể tham gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, vượt qua mọi mặc cảm để cùng đất nước phát triển, bước vào kỷ nguyên mới.
Việt Nam rất quan tâm đến công tác người khuyết tật, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người khuyết tật có thể hòa nhập một cách bình đẳng vào cộng đồng xã hội.
Năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Năm 2019, phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động, việc làm.
Năm 2022, Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn tiếp cận chữ và các tác phẩm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.