Meta dự định chi 10 tỷ USD xây dựng tuyến cáp quang ngầm kết nối toàn cầu
Meta - công ty mẹ của Facebook và loạt mạng xã hội nổi tiếng khác đang lên kế hoạch xây dựng một tuyến cáp quang ngầm dưới biển có quy mô lớn với chiều dài hơn 40.000 km, kết nối toàn cầu.
Hiện nay các nền tảng của Meta bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp có hàng tỷ người dùng, chiếm 10% lưu lượng truy cập Internet cố định và 22% lưu lượng truy cập di động.
Thêm vào đó, việc đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng mạng tăng cao hơn nữa. Để đảm bảo cơ sở hạ tầng đủ mạnh mẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Meta quyết định tự kiểm soát hệ thống đường truyền của mình.
Dự án này dự kiến sẽ tiêu tốn hơn 10 tỷ USD. Đặc biệt, Meta sẽ là chủ sở hữu và người sử dụng duy nhất của tuyến cáp ngầm, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng của công ty.
Theo TechCrunch, dự án đánh dấu lần đầu Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, sở hữu và sử dụng độc quyền một tuyến cáp quang ngầm lớn như vậy.
Theo chuyên gia cáp ngầm Sunil Tagare, dự án bắt đầu với ngân sách 2 tỷ USD và sẽ tăng lên qua nhiều năm thực hiện.
Khi hoàn thành, tuyến cáp này sẽ cung cấp một đường truyền dữ liệu riêng biệt cho Meta trên toàn cầu. Dự kiến tuyến cáp kéo dài từ bờ biển phía Đông của Mỹ đến Ấn Độ qua Nam Phi, sau đó nối đến bờ biển phía Tây của Mỹ từ Ấn Độ qua Australia, tạo thành hình chữ "W" bao quanh thế giới.
Cáp ngầm quang là một phần quan trọng của hạ tầng truyền thông trong 40 năm qua. Kế hoạch của Meta cho thấy sự thay đổi trong việc đầu tư và sở hữu mạng lưới ngầm từ các liên minh viễn thông sang các đại gia công nghệ lớn.
Meta hiện đồng sở hữu 16 mạng lưới cáp quang, gần nhất là tuyến 2Africa bao quanh châu Phi. Tuy nhiên, hãng muốn có tuyến cáp riêng để ưu tiên quyền sử dụng, hỗ trợ lưu lượng trên các nền tảng của mình và nâng cao trải nghiệm người dùng, giảm rủi ro địa chính trị và khả năng phát triển trung tâm dữ liệu tại Ấn Độ để phục vụ AI.
Nếu hoàn thành, đây sẽ là dự án cáp quang toàn cầu đầu tiên thuộc sở hữu và vận hành bởi một công ty tư nhân.
Hiện tại, Google, Amazon, Microsoft và các công ty công nghệ lớn khác đều sở hữu một phần của các hệ thống cáp toàn cầu, nhưng không ai sở hữu hoàn toàn một tuyến cáp riêng.