Cần giải pháp cho rác thải nhựa từ thương mại điện tử
Ngành thương mại điện tử tại Việt Nam tiêu thụ khoảng 332.000 tấn bao bì, trong đó 171.000 tấn là bao bì nhựa.
Năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu ước tính đạt 5,8 nghìn tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên gần 6,4 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy, doanh số thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 39% trong những năm tới, kỳ vọng vượt mức 8 nghìn tỷ USD vào năm 2027.
Ngành thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng hàng năm trên 25%. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi và phát triển là những tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là số lượng rác thải nhựa khổng lồ được thải ra.
Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), ngành thương mại điện tử tại Việt Nam tiêu thụ khoảng 332.000 tấn bao bì, trong đó 171.000 tấn là bao bì nhựa. Nếu không có giải pháp kịp thời, dự báo đến năm 2030, lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử có thể tăng lên 800.000 tấn, tạo ra áp lực khổng lồ lên môi trường.
Một gói hàng thông thường được đóng gói với nhiều lớp bao bì như thùng carton, túi nhựa, màng co, túi khí đệm… Hóa mỹ phẩm còn phức tạp hơn, cần bọc thêm bong bóng khí để bảo vệ sản phẩm. Mặc dù đảm bảo hàng hóa không bị hư hỏng, nhưng việc đóng gói này vô tình tạo ra lượng rác thải khổng lồ.
Hiện nay, việc quản lý và xử lý rác thải từ thương mại điện tử đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự gia tăng nhanh chóng của lượng đơn hàng và bao bì bị thải bỏ.
Với hàng tỷ đơn hàng được giao mỗi năm, hệ thống quản lý rác thải hiện tại khó có thể đáp ứng kịp nhu cầu xử lý khối lượng rác thải ngày càng lớn này. Việc phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì đòi hỏi nguồn lực lớn và quy trình phức tạp.
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa ra môi trường, trong đó 0,28-0,73 triệu tấn ra biển. Báo cáo Giảm thiểu nhựa dùng một lần ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho biết bao bì nhựa dùng một lần như túi nilon, hộp xốp đựng thực phẩm hay ống hút là tác nhân lớn nhất gây ra rác thải nhựa (chiếm hơn 60% lượng rác nhựa).
Nhận thức được vấn đề này, không ít công ty thương mại điện tử lớn bắt đầu triển khai các sáng kiến xanh để giảm thiểu rác thải rác thải nhựa.
Đại diện của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết, thay vì dùng tải dứa bọc các gói hàng trong khâu giao hàng chặng cuối, chỉ dùng một lần rồi hủy, công ty hiện sử dụng vật liệu dùng được 200 lần, chỉ cần thay 1-2 lần mỗi năm.
Viettel Post cũng định hướng xây dựng các tủ gửi đồ thông minh tại các khu vực đông dân cư như khu chung cư, công nghiệp, để giảm lượng di chuyển của bưu tá, qua đó giảm phát thải carbon.
Còn đối với Lazada Logistics Việt Nam để giảm lượng rác thải nhựa Lazada đã sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động. Cụ thể, hành trình đơn hàng từ nhà sản xuất đến người bán hàng đi qua từ 20 - 30 bước. Trong khi đó, hàng hóa hiện nay đa dạng nhưng quy chuẩn đóng gói không nhiều.
Do đó, Lazada sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải, đồng thời sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn lót. Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử này cũng sử dụng xe máy điện trong giao nhận hàng hóa để giảm lượng khí thải ra môi trường.
Không chỉ thương mại điện tử, ngành giao đồ ăn trực tuyến cũng là nguồn phát thải nhựa khổng lồ. Theo WWF, các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến đã thải ra môi trường gần 18.600 tấn rác thải nhựa, chủ yếu là loại dùng một lần.
Đứng trước những thách thức ấy, các ứng dụng giao đồ ăn như Grab đã "làm hết sức có thể" trong việc truyền thông tới nhà hàng về hạn chế dùng đồ nhựa, khuyến khích các nhà hàng gộp đồ ăn trong đóng gói và chuyển sang các bao bì thân thiện với môi trường như hộp giấy, hộp bã mía hoặc ống hút bằng bột gạo. Grab cũng khuyến khích khách hàng từ chối dụng cụ ăn uống nhựa.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để phát triển thương mại điện tử bền vững, cần 6 nhóm đối tượng tham gia trực tiếp vào quá trình giảm rác thải nhựa. Đó là khối cơ quan quản lý nhà nước; người tiêu dùng; doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics, hoàn tất đơn hàng; hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp; cơ quan truyền thông, báo chí và các đơn vị liên quan khác.
Để giải quyết tình trạng này cũng cần ưu tiên, có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử. Xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình thương mại điện tử bền vững. Khuyến khích doanh nghiệp vận chuyển sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường, khuyến khích các sáng kiến bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử, tổ chức trao giải cho các doanh nghiệp có sáng kiến tiêu biểu hàng năm.