Tài chính - Ngân hàng

Điểm nhấn chuyển đổi số ngân hàng năm 2024

Minh Thông 15/12/2024 12:15

Tại Hội nghị, "Vietnam Banking Innovation Summit 2024" vừa diễn ra tại TP. HCM, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng kết nối QR quốc tế, giao dịch điện tử bứt tốc, pháp lý cởi mở là 3 điểm nhấn chuyển đổi số ngân hàng 2024.

Tại Hội nghị, gần 200 chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng, tổ chức tài chính và công nghệ hàng đầu khu vực ASEAN, cùng hàng trăm cán bộ, nhân viên đến từ các tổ chức và doanh nghiệp lớn trong ngành tham gia thảo luận, kết nối và hợp tác. Các chuyên gia và ngân hàng cũng xác nhận ngành này đã có năm chuyển đổi số mạng, hiệu quả cụ thể.

hoi-thao-1_14122024151610_43.jpg
Các diễn giả nhận hoa lưu niệm sự kiện Vietnam Banking Innovation Summit 2024

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc ngân hàng số PVCombank, cho biết đã đầu tư core banking (hệ thống phần mềm lõi) mới. Họ thuê AWS tư vấn cấu trúc lại dữ liệu và đưa một phần lên điện toán đám mây. Để quản trị hệ thống backend (hạ tầng đứng sau các giao diện mà người dùng tương tác) nhà băng dùng nền tảng của IBM.

"Bình quân mất 250.000-300.000 để mở mới được một tài khoản, còn giờ thông qua trực tuyến chỉ mất 150.000 đồng. Chuyển đổi số còn giúp các ngân hàng nhỏ như chúng tôi phát triển khách hàng mới nhanh, đỡ tốn kém hơn và đặc biệt là tiếp cận được những vùng không có phòng giao dịch", bà Nga nói.

Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ngân hàng số của VIB cho biết từ 100.000 khách hàng kỹ thuật số vào 2017, đến nay họ có 2,2 triệu. Cùng giai đoạn, lượng giao dịch qua kênh này tăng từ 7 triệu lên 510 triệu năm 2024. "Nếu không có mobile banking, chúng tôi phải cần đến 15.000 nhân viên ngồi quầy để xử lý hết số lượng giao dịch này cho khách", ông Minh nói.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đánh giá công nghệ ngành ngân hàng đã "đột phá lớn". Trong đó, công nghệ chuỗi khối (blockchain) có BIDV đi đầu về phát hành thư tín dụng đến ngân hàng ngoài hệ thống; MB, VPBank, Vietcombank ứng dụng trong xử lý giao dịch tài chính.

Về phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), VPBank đã dùng để đồng bộ hóa dữ liệu, phân tích từ 2015; BIDV có smartbanking dùng AI; VIB kết hợp AI với BigData vào quy trình chấm điểm tín dụng và xét duyệt hồ sơ tín dụng.

Ông Frankie Wai, Giám đốc Giải pháp Kinh doanhTemenos AG cho biết ngân hàng số bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ giai đoạn 2013-2014. Nó tăng tốc cùng xu hướng chung khu vực trong 8 năm gần đây. "Sự chuyển mình của ngành ngân hàng số tại Việt Nam nhờ hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng và các ngân hàng thành viên", ông nói.

Theo TS Cấn Văn Lực, với kết nối QR quốc tế, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR cùng Thái Lan, Campuchia, Lào với sự tham gia của khoảng 18 ngân hàng thương mại và 3 tổ chức trung gian thanh toán, theo Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas).

Khi sang các nước này du lịch, người Việt giờ không phải dùng thẻ tín dụng nữa mà chỉ cần điện thoại, là bước đột phá", ông Lực nhận định. Napas dự kiến trong 2025 tiếp tục mở rộng kết nối thanh toán QR với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

Điểm nhấn thứ hai là thanh toán số. Đến tháng 9/2024, giao dịch qua Internet tăng 49,45% về lượng và 33,19% giá trị; qua kênh di động tăng 57,93% về lượng và 35,54% về giá trị. Riêng thanh toán qua QR tiếp tục bức tốc với mức tăng gấp đôi cả về số lượng và giá trị, theo Ngân hàng Nhà nước.

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại Vietnam Banking Innovation Summit 2024. Ảnh ban tổ chức
TS Cấn Văn Lực phát biểu tại Vietnam Banking Innovation Summit 2024. Ảnh ban tổ chức

Thứ ba, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được thông qua ngày 18/1 đã bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử. Hai điểm đáng chú ý theo ông Lực là chính thức luật hóa hoạt động cho vay trực tuyến (online lending) và mở đường cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.

Để tăng hiệu quả chuyển đổi số, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần hoàn thiện thêm khung pháp lý, vì vẫn còn chưa đồng bộ. Nên chuyển đổi phương thức quản lý công nghệ lĩnh vực tài chính - ngân hàng theo hướng chủ động, kiến tạo song vẫn kiểm soát được rủi ro.

Với các ngân hàng, chuyên gia khuyến nghị tiếp tục cập nhật, điều chỉnh chiến lược chuyển đổi số; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ, chất lượng nhân lực. Đồng thời, chủ động kết nối với các đối tác, khách hàng lớn để tạo lập hệ sinh thái trên nền tảng mới như ngân hàng mở (Open Banking).

Minh Thông