Vay thế chấp bằng tài sản trí tuệ: Giải pháp các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thế chấp tài sản trí tuệ là một việc có ý nghĩa thiết thực, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay những doanh nghiệp khởi nghiệp để có thể vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Khi chủ thể xác định quyền với tài sản, tùy loại tài sản mà họ được bảo hộ quyền nhân thân, quyền tài sản với tài sản trí tuệ của mình. Trong những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm trong đời sống kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc... đã triển khai thành công các mô hình cho vay dựa trên tài sản trí tuệ.
Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về số lượng đăng ký sáng chế, với hơn 1,5 triệu bằng vào năm 2020. Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, các công ty vay vốn thành công bằng sở hữu trí tuệ tại quốc gia này lên đến 309,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 43,69 tỷ USD) vào năm 2021.
Hoạt động này cho đến nay đã bao phủ 17.000 dự án, mang lại lợi ích cho 15.000 doanh nghiệp.
Lý giải về những con số ấn tượng này, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái cho vay dựa trên sở hữu trí tuệ một cách đồng bộ, bao gồm văn phòng sở hữu trí tuệ vận hành bởi cơ quan nhà nước, các tổ chức tài chính, đơn vị định giá và công ty bảo hiểm, tạo thành một hệ sinh thái đa dạng.
Mỹ là thị trường sở hữu trí tuệ lớn thứ hai thế giới. Các thành công đến từ sự hỗ trợ của các trung tâm nghiên cứu, tổ chức thẩm định độc lập và thị trường thứ cấp năng động. Mỹ đi đầu trong việc tích hợp sở hữu trí tuệ vào hệ thống tài chính, nhờ vào khung pháp lý rõ ràng về quyền sở hữu, định giá và giao dịch sở hữu trí tuệ. Các quy định này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc sử dụng sở hữu trí tuệ trong các giao dịch tài chính.
Hay tại Hàn Quốc - một trong những quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn bằng tài sản trí tuệ. Theo Hiệp hội Xúc tiến sáng chế Hàn Quốc (KIPA), tổng số dư tài chính sở hữu trí tuệ được phát hành từ năm 2018 đến năm 2021 lên tới 6.900 tỷ won.
Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng tài sản trí tuệ chuyên cung cấp bảo lãnh tín dụng dựa trên tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Cùng với đó, Cơ quan đánh giá tài sản trí tuệ Hàn Quốc thực hiện việc định giá tài sản trí tuệ theo các tiêu chí minh bạch, giúp giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng cho vay. Hàn Quốc cũng sử dụng các chuyên gia độc lập trong nhiều lĩnh vực để định giá thương hiệu, sáng chế và bản quyền, giúp gắn kết tài sản trí tuệ với khả năng sinh lời và dòng tiền của doanh nghiệp.
Tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ" do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF Việt Nam) tổ chức, ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng Phòng Pháp chế Vietcombank cho rằng, thế chấp tài sản trí tuệ là một việc có ý nghĩa thiết thực, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay những doanh nghiệp khởi nghiệp để có thể vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Song việc thế chấp tài sản trí tuệ còn gặp rất nhiều khó khăn, do đây là giao dịch mang tính rủi ro cao hơn so với việc thế chấp các loại tài sản khác. Tại Việt Nam, việc thế chấp tài sản trí tuệ đã diễn ra song các tổ chức tín dụng đang gặp nhiều rào cản trong triển khai.
Phân tích rõ hơn về nguyên nhân, ông Phương chỉ ra 3 lý do chính: Thứ nhất, chưa hoàn thiện khung pháp luật về thế chấp tài sản trí tuệ; Thứ hai, định giá tài sản trí tuệ khi thế chấp thường gặp khó khăn và giá trị của tài sản trí tuệ thường không ổn định; Thứ ba, xử lý tài sản trí tuệ được thế chấp khó khăn và kéo dài.
Hy vọng trong thời gian tới, vấn đề thế chấp tài sản trí tuệ sẽ được điều chỉnh trong các quy định pháp lý để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tận dụng được các ưu thế của tài sản trí tuệ để vay vốn được từ các tổ chức tín dụng, Trưởng Phòng Pháp chế Vietcombank cho hay.
Có thể thấy, việc khai thác tài sản trí tuệ thành công cụ tài chính là yêu cầu tất yếu trong phát triển hệ sinh thái tài chính sở hữu trí tuệ. Thông qua đó sẽ góp phần tạo nguồn lực tài chính ổn định cho các chủ thể nắm giữ tài sản trí tuệ, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo; các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khởi nghiệp… tích cực tham gia vào các dự án nghiên cứu.
Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.