Việt Nam lọt top các nền kinh tế lớn nhất châu Á
Trong công bố mới đây, trang tin Seasia Stats đã cung cấp đồ hoạ về “15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025” dựa trên các số liệu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố.
“Năm 2025, châu Á tiếp tục củng cố vị trí trong nhóm các cường quốc kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lục địa này là nơi tập trung một số nền kinh tế lớn nhất và năng động nhất thế giới”, trang Seasia Stats bình luận khi công bố danh sách 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025.
Theo đó, năm 2024, GDP của Việt Nam ước đạt 468 tỉ USD, đứng thứ 12 trong danh sách.
Chính phủ Việt Nam cũng đặt nhiều kỳ vọng với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% cho năm 2025. Seasia Stats nhấn mạnh “Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ vào xu hướng bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài”.
Trong danh sách Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất châu Á. Với biên độ tăng trưởng đáng kể, Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được mức 19.500 tỉ đô la.
Trong các nước Đông Nam Á còn có Indonesia lọt top 5. Indonesia được xếp là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, với quy mô dự kiến sẽ đạt 1.500 tỷ USD năm 2025 và hiện vẫn đang được thúc đẩy bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng.
Xếp thứ 9 là Singapore, quốc gia vốn nổi tiếng với các dịch vụ tài chính và vị trí chiến lược với quy mô nền kinh tế dự kiến sẽ đạt 562 tỷ USD. Ngay sau đó là Thái Lan với quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 545 tỷ USD.
Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%. Các bộ, ngành, địa phương cố gắng phấn đấu để đạt 7 - 7,5%. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, đặt mục tiêu 8% trong năm 2025.
Chia sẻ về mục tiêu GDP tăng trưởng 8% năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, đây là mục tiêu có cơ sở, bởi sự tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2024 có thể dẫn thêm vào năm 2025, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Đồng thời, có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều luật được thông qua.
Với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phấn đấu mức tăng trưởng GDP 8%. Đây cũng là bước để chuẩn bị sẵn sàng như Tổng Bí thư đã nêu: Chúng ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tốc độ tăng trưởng phải cao hơn nữa chúng ta mới đạt được mục tiêu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao trên thế giới và có nền công nghiệp hiện đại.