Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào xây dựng nền nông nghiệp gắn kết, bền vững
Ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, mà còn đang mở ra cơ hội to lớn trong việc phát triển bền vững, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao và thân thiện với môi trường…
Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024”.
Ngành nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng ấn tượng
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm qua, thiên tai, đặc biệt là Bão số 3 (Yagi), đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ vào sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong năm 2024 ước đạt mức tăng trưởng 3,1% - 3,4%. trong đó: Trồng trọt tăng 1,7 - 1,9%; chăn nuôi tăng 5,3 - 5,5%; thủy sản tăng 5,0 - 5,2%; lâm nghiệp tăng 4,0 - 4,2%. Sản lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp, như lúa, thịt, thủy sản và gỗ, đều tăng trưởng mạnh...
“Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế. Đây là điều kiện quan trọng để duy trì sự ổn định và nâng cao giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, ông Tiến khẳng định.

Theo Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, trong suốt những năm qua, Tổng hội đã thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi của các hội viên. Tổng hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Theo Tổng hội, năm 2024, dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành nông nghiệp vẫn ghi nhận thành tựu ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước, trong khi giá trị xuất siêu đạt mức kỷ lục 18,6 tỷ USD, tăng tới 53,1%.
Những con số về xuất nhập khẩu đã phản ánh vai trò then chốt của doanh nghiệp trong thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp và đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhiều cơ hội mới cho ngành nông nghiệp
Mặc dù doanh nghiệp đã và đang trở thành động lực chính, nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT, hạn chế này xuất phát từ các chính sách hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn, thiếu đồng bộ trong cơ chế kêu gọi đầu tư, khiến liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo.
Ông kêu gọi các doanh nghiệp tích cực đối thoại, chia sẻ khó khăn, hiến kế và kiến nghị để cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh chính sách, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp, xây dựng một nền nông nghiệp gắn kết, hiệu quả và bền vững.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề nghị liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các mô hình như lúa thơm - tôm sạch và tôm rừng mangrove-carbon zero, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hữu cơ.

Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững và hợp tác với nông dân để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp cũng đang hướng tới một nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng...
Đồng thời, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ các dự án sáng tạo trong nông nghiệp, đặc biệt là các dự án thân thiện với môi trường và các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Ngành nông nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh: Áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, tăng cường tái chế phụ phẩm. Cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics và kho bãi. Cùng với đó, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số: Phát triển nền tảng quản lý nông nghiệp thông minh.
Để nông nghiệp Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy từ sản xuất đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào giá trị gia tăng, sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định, với sự đồng hành của doanh nghiệp và sự kiên trì, chịu khó của nông dân, Việt Nam không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu nội địa mà còn vươn xa trên thị trường quốc tế, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành nông nghiệp.