Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng trên 10 - 12% năm 2025
Nắm rõ được dự báo xu hướng kinh tế thế giới để tận dụng những thuận lợi cũng như hạn chế những khó khăn, bất lợi, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10-12% so với năm ngoái.
Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố báo cáo tổng kết công tác năm 2024 cho thấy, xuất nhập khẩu năm 2024 đã hồi phục mạnh mẽ, ghi nhận nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo số ước liên Bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024 ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%.
Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
Hầu hết các thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt với kết quả xuất khẩu sang ASEAN và các nền kinh tế như EU, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Hoa Kỳ đều tăng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết FTA đều đạt tăng trưởng cao. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp, ước đạt 24,1 tỷ USD trong cả năm. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước và nhập khẩu đều ghi nhận phục hồi mạnh mẽ.
Đáng chú ý, xuất khẩu Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi vẫn tập trung đa phần vào một số thị trường lớn, các thị trường này có khả năng thay đổi chính sách hoặc ảnh hưởng biến động kinh tế, đòi hỏi phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn để duy trì kim ngạch cao.
Về triển khai nhiệm vụ năm 2025, nắm rõ được dự báo xu hướng kinh tế thế giới để tận dụng những thuận lợi cũng như hạn chế những khó khăn, bất lợi, Cục Xuất nhập khẩu đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10-12% so với năm 2024 và cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đưa ra một số định hướng triển khai nhiệm vụ trong lĩnh vực Xuất nhập khẩu trong năm tới.
Thứ nhất, ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khuyến khích triển khai các kênh thương mại điện tử theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).
Thứ hai, tăng cường cơ chế kiểm soát rủi ro để chất lượng kiểm tra, giám sát hàng hóa tốt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu.
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, địa phương mở rộng hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như hợp tác chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng qua biên giới.
Thứ tư, tạo ra sự liên thông, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các phòng, ban trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa để tạo cơ sở pháp lý ràng buộc, minh bạch cho việc tổ chức, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nhà nước.
Thứ năm, đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng Đảng, chú trọng, quan tâm, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên, đơn vị nòng cốt trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và xây dựng Đảng.