Honda và Nissan đàm phán sáp nhập
Ngành ô tô đang có sự thay đổi lớn khi tập đoàn xe Honda và Nissan bắt đầu xây dựng kế hoạch đàm phán sáp nhập để tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới.
Honda và Nissan kỳ vọng rằng với sự sáp nhập có thể giúp hai thương hiệu đến từ Nhật Bản có sức cạnh tranh tốt hơn trong thế giới ô tô đang phải đối mặt với những thay đổi lớn.
Sự chuyển biến bắt đầu từ việc ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trong quá trình chuyển dịch từ ô tô chạy xăng sang xe điện, cùng lúc đó các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đều phải đối mặt với đối thủ đáng gờm đến từ Trung Quốc.
Honda và Nissan chưa thành công tạo ra những chiếc xe điện gây sốt
Honda và Nissan không thu hút được nhiều sự chú ý từ phía người tiêu dùng do đánh giá sai về nhu cầu sử dụng xe điện dẫn đến quá trình nghiên cứu sản phẩm bị chậm trễ hơn so với các hãng xe khác.
Trong khi Tesla dẫn đầu thị trường xe điện tại Hoa Kỳ, các công ty khác cũng đang dần bám theo sau.
Các hãng sản xuất ô tô Hàn Quốc là Hyundai và Kia đã lọt vào danh sách những xe điện phổ thông tốt nhất của Consumer Reports trong năm nay, trong khi Porsche và BMW của Đức đã hoạt động tốt ở phân khúc xe sang.
Sam Fiorani, phó chủ tịch dự báo xe toàn cầu tại AutoForecast Solutions, cho biết: "Các công ty như Honda và Nissan cần hợp tác để tiến hành R&D, để có được khả năng mua hàng tốt hơn, kết hợp mọi khía cạnh tài chính nhằm giảm chi phí".
Việc hai nhà sản xuất ô tô này sáp nhập với nhau sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới sau Toyota và Volkswagen sẽ đem lại rất nhiều lợi ích và tiềm năng như tập hợp được những thế mạnh và chuyên môn, từ đó hưởng lợi từ việc sản xuất xe hiệu quả hơn.
Trung Quốc – Chiến thắng thị trường trong nước và quốc tế
Sự xuất hiện của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD và Nio đã làm xói mòn thị phần của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu như Honda, Nissan và Volkswagen tại Trung Quốc - quốc gia được coi là thị trường quan trọng.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không chỉ có thể sản xuất ô tô rẻ hơn mà còn chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Trung Quốc bằng những chiếc xe điện và phần mềm tiện lợi của họ.
Các công ty đến từ Trung Quốc không chỉ muốn chinh phục thống trị thị trường trong nước. Họ còn đang tập trung nghiên cứu vào các thị trường nước ngoài, bao gồm cả những thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như châu Âu, nơi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị phần. Hiện nay, quốc gia này đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.
Trong khi đó Nissan đã gặp khó khăn kể từ khi liên minh với Renault sụp đổ, Nissan phải đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng khiến hãng rất cần một đối tác sáp nhập lớn hơn.
Lợi nhuận trong sáu tháng kết thúc vào tháng 9 đã giảm 94% so với cùng kỳ năm 2023, do công ty đã lỗ trong hoạt động kinh doanh ô tô và chỉ báo cáo lợi nhuận khiêm tốn từ hoạt động tài chính. Để ứng phó, Nissan đã tuyên bố cắt giảm 20% sản lượng sản xuất, sa thải 9.000 công nhân và cắt giảm 70% dự báo lợi nhuận hoạt động cả năm.
Honda tuy tình hình khả quan hơn Nissan nhưng lợi nhuận vẫn giảm, chủ yếu từ thị trường Trung Quốc.
Sam Abuelsamid, một nhà phân tích ngành công nghiệp ô tô có trụ sở tại Detroit, cho biết ông mong đợi nhiều thỏa thuận toàn cầu hơn như Nissan và Honda trong vài năm tới khi các nhà sản xuất ô tô phản ứng với mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ khiến nhiều thương hiệu rơi vào tình huống khó khăn.
Đây là lý do chính khiến các nhà phân tích cho rằng Honda và Nissan cần có một vụ sáp nhập. Mitsubishi, công ty mà Nissan đang sở hữu một lượng cổ phần đáng kể cũng sẽ là một phần trong sự hợp tác.