Kiên định với mục tiêu đột phá thể chế, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh
Năm 2024 khép lại với bối cảnh quốc tế đầy biến động nhưng vẫn đan xen cơ hội và thách thức. Kinh tế thế giới giữ vững đà tăng trưởng 3,2%, dự kiến tiếp tục ổn định trong hai năm tới. Lạm phát và lãi suất hạ nhiệt, mở đường cho sự khởi sắc trong thương mại, đầu tư, tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh và du lịch, tạo tiền đề cho những bước tiến quan trọng trong thời gian tới.
Ở trong nước, bên cạnh tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt trên 7%, thì điểm sáng đầu tiên và đáng kể nhất là kiện toàn lãnh đạo chủ chốt của đất nước, quyết tâm đột phá về thể chế, tiến hành cách mạng về tinh gọn tổ chức - bộ máy, được nhân dân và doanh nghiệp ủng hộ, kỳ vọng.
Nhiều chính sách quan trọng được Quốc hội thông qua năm 2024
Nhiều cơ chế, chính sách, tập trung vào nhóm chính sách tài khóa (giãn hoãn, giảm thuế và phí), chính sách tiền tệ (giảm lãi suất, cho phép cơ cấu lại nợ, tiếp cận tín dụng, ổn định tỷ giá...) được ban hành. Nhiều luật quan trọng như Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản... được sớm hóa hiệu lực 5 tháng, cùng nhiều bộ luật, nghị quyết quan trọng khác được thông qua, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản, tài chính, nông nghiệp, KHCN và du lịch...
Những quyết sách này góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu tạo đà phục hồi kinh tế, tạo nền tảng pháp lý cho phát triển an toàn, lành mạnh hơn thời gian tới. Nền kinh tế nhờ vậy phục hồi mạnh, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt trên 7% và năm 2025 dự báo có thể đạt 8% hoặc cao hơn.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, với lạm phát trong tầm kiểm soát (tăng khoảng 4%), lãi suất cho vay giảm nhẹ, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn (về thương mại, thu - chi ngân sách, tiết kiệm - đầu tư...), an sinh xã hội, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ ở mức an toàn và thấp hơn các nước tương đồng. Những yếu tố này cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế thời gian tới được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Nhận thức và hành động thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều dự án công nghệ cao (gồm cả điện tử, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo...) được thu hút, thanh toán không dùng tiền mặt (nhất là qua điện thoại di động, dùng mã QR...) tăng nhanh, tín dụng xanh, cam kết tài chính xanh và sản xuất, tiêu dùng xanh được quan tâm hơn, chính sách mới về mua bán điện trực tiếp, triển khai Quy hoạch điện VIII được ban hành. Đây sẽ là những động lực mới tạo đà phát triển nhanh và bền vững hơn thời gian tới.
Hoạt động của khối doanh nghiệp phục hồi rõ nét, dù không đồng đều và còn nhiều thách thức. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm từ 1,23 lần trong quý 1/2024 xuống còn gần 0,8 lần cuối năm.
Thu ngân sách đạt kết quả tích cực, bằng 119% dự toán, ước tăng 15,5%, thể hiện đà phục hồi của xuất - nhập khẩu, sản xuất và tiêu dùng cũng như việc đa dạng hóa nguồn thu, trong bối cảnh chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng hỗ trợ, có trọng điểm như nêu trên; tạo dư địa cho thực thi chính sách tài khóa mở rộng và phục vụ công tác cải cách tiền lương, tinh gọn tổ chức - bộ máy đang tiến hành.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều chuyến thăm cấp cao, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia lớn, triển khai và đàm phán mới các hiệp định thương mại tự do (FTA) và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với nhiều đối tác khác.
Dù vậy, nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức, đó là: Các động lực tăng trưởng phục hồi không đồng đều. Đầu tư công giải ngân còn chậm. Hết tháng 12/2024, tỷ lệ giải ngân của cả nước ước đạt 77,6% kế hoạch, hết tháng 1/2025 có thể đạt gần 90%, cách khá xa so với mục tiêu đề ra là 95%. Đầu tư tư nhân tăng khoảng 7%, phục hồi mạnh từ mức tăng 2,7% của năm trước, nhưng còn khá thấp so với mức tăng 15-17% trước Covid-19. Tiêu dùng cuối cùng ước tăng 6,5%, phục hồi từ mức tăng 3,52% của năm 2023, nhưng thấp hơn mức tăng trên 7,2% trước dịch, chứng tỏ sức cầu đầu tư và tiêu dùng còn yếu. Nợ xấu gia tăng dù có chính sách giãn hoãn, cơ cấu lại nợ, chứng tỏ doanh nghiệp, bên vay còn nhiều khó khăn, phục hồi không đồng đều và chịu tác động tiêu cực (bao gồm cả hậu quả cơn bão lịch sử Yagi). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi còn chậm, thị trường vàng biến động nhiều hơn; tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu.
Kiên định với mục tiêu đột phá thể chế, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, năm 2025 mở ra với dự báo kinh tế thế giới đan xen thuận lợi và khó khăn, song rủi ro và bất định ngày càng gia tăng. Một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, và Ấn Độ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và du lịch của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%, phấn đấu đạt trên 8% (thậm chí cao hơn) và kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4,5%. Đây là những mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc để thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa đột phá về thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, vừa chống lãng phí, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn năm 2024.
Do vậy, để đạt được các mục tiêu, chúng ta cần phải kiên định với các đột phá thể chế, quyết liệt trong tinh gọn tổ chức, cải cách tiền lương và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đặc biệt là nâng cao chất lượng và tiến độ thực thi công vụ. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và mới: Khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTAs), cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, và thực thi hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đồng thời, cần tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều rủi ro bên ngoài và nội tại. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi kép (xanh và số), phát triển năng lượng tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước. Xử lý triệt để các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp yếu kém – những “cục máu đông” gây cản trở phân bổ nguồn lực và làm tăng chi phí xã hội.
Song song với đó, cần tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời luật hóa cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đổi mới sáng tạo, giảm thiểu nguy cơ hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Chỉ khi đảm bảo đồng bộ giữa ba mục tiêu lớn: phòng chống tham nhũng, cải cách thể chế và phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc đổi mới mới có thể đạt được hiệu quả bền vững.
Những nền tảng chính sách quan trọng này đã được khởi động từ năm 2024. Mặc dù còn nhiều thách thức phía trước, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng vào thành công của công cuộc đổi mới mang tính lịch sử trong năm 2025.