Năm 2025, thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi từ nhiều chính sách
Theo chu kỳ 10 năm của thị trường bất động sản, năm 2025 được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các chính sách kinh tế vĩ mô tích cực. Đây là nhận định đáng chú ý từ các chuyên gia tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam 2024 và dự báo 2025” vừa qua.
PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, dự báo thị trường bất động sản năm 2025 sẽ điều chỉnh theo hướng ổn định và trưởng thành hơn.
Theo ông, năm 2024, thể chế của thị trường bất động sản đã được cập nhật với hàng loạt văn bản pháp luật liên quan được sửa đổi, bổ sung, thông qua và áp dụng vào thực tiễn. Thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn 2022-2023, tạo nền tảng cho bước phát triển mới đồng hành cùng sự phục hồi của nền kinh tế.
Bàn về triển vọng thị trường năm 2025, PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, với nền kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản về cơ bản cũng sẽ ổn định. Thông thường, theo chu kỳ 10 năm của thị trường bất động sản, năm 2025 là năm thị trường bất động sản được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế vĩ mô.
Xét từng phân khúc, thị trường bất động sản công nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng tốt nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, hạ tầng cơ sở phát triển nhanh chóng, cùng với chu kỳ kinh tế mới thúc đẩy sản xuất gia tăng.
Đối với phân khúc nhà ở trung và cao cấp, dự kiến sẽ có sự điều chỉnh giảm đáng kể. Nguyên nhân thứ nhất là thị trường năm 2024 đã chứng kiến mức tăng trưởng quá cao trong phân khúc này. Nguyên nhân thứ hai là các chủ thể trong phân khúc này đang điều chỉnh lớn về nhu cầu, hành vi và triển vọng. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ dự báo của bất động sản công nghiệp vào năm 2025 sẽ thu hút nguồn lực chuyển hướng sang phân khúc này.
Trong khi đó, các phân khúc nhà ở và đất ở khác dự kiến sẽ không có biến động lớn.
Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng dự kiến sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Các bất động sản thuộc sở hữu của chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ sôi động, trong khi những sản phẩm bất động sản dạng chung - chia sở hữu (Timeshare) sẽ gặp nhiều khó khăn. Lý do thứ nhất là đến nay vẫn chưa có khung pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh và quản lý hiệu quả nhóm sản phẩm chung - chia sở hữu. Lý do thứ hai là với sự phục hồi của ngành du lịch, các bất động sản thuộc sở hữu riêng sẽ có lợi thế hơn nhờ khả năng chủ động trong giao dịch.
Về phân khúc bất động sản tài chính, dự kiến sẽ không có nhiều biến động lớn. Các sản phẩm chủ yếu vẫn tập trung vào cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản dự kiến sẽ giảm so với năm 2024, đặc biệt khi so sánh với giai đoạn 2022-2023. Trong trường hợp thị trường bất động sản có những chuyển biến mạnh mẽ, các sản phẩm như bất động sản chung - chia sở hữu và quỹ tín thác bất động sản có thể sẽ được thúc đẩy đáng kể.
Thị trường Hà Nội và TP.HCM dự kiến phát triển ổn định, không còn tăng đột biến như năm 2024. Một số phân khúc nhỏ, như chung cư trung - cao cấp, có thể điều chỉnh giảm. TP.HCM dự báo tăng nhẹ toàn diện, trong khi Hà Nội có khả năng đi ngang hoặc giảm ở một số phân mảng.
Các khu vực lân cận Hà Nội và TP.HCM sẽ không tăng do giá tại hai thành phố này không còn lan tỏa. Ngược lại, các địa bàn mới nổi trong năm 2025 có thể bứt phá nhờ lợi thế pháp lý của các sản phẩm tại đây.
Ông Trần Kim Chung nhận định, năm 2025, thị trường bất động sản sẽ điều chỉnh theo hướng ổn định và trưởng thành hơn. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đồng bộ hóa quy hoạch, phát triển công cụ tài chính phái sinh, số hóa thị trường và triển khai quy hoạch trên nền bản đồ giải thửa.
Cụ thể: Nhanh chóng thông qua Luật Thuế Bất động sản.
Nghiên cứu và hiện thực hóa các công cụ tài chính phái sinh như: Timeshare, quỹ tiết kiệm tương hỗ, hệ thống tái thế chấp, quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Đưa vào thực thi cơ chế thu hồi đất phụ cận các công trình hạ tầng để đấu giá và xây dựng theo quy hoạch, tạo vốn phát triển hạ tầng. Xây dựng cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho hạ tầng trung ương và hạ tầng ngoài tỉnh trong liên kết vùng.
Thống nhất quy hoạch tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên nền bản đồ giải thửa. Đồng bộ kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng và sản xuất, xây dựng chương trình hành động cấp tỉnh về phát triển đô thị, nông thôn, hạ tầng và dự án bất động sản.
Những giải pháp này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản phát triển bền vững và hiệu quả hơn.