Tiêu điểm

Những lĩnh vực Bộ Xây dựng sẽ quản lý sau hợp nhất với Bộ Giao thông vận tải

Thu Hằng 14/02/2025 15:38

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh vừa ký tờ trình số 11/TTr - BGTVT gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, hai bộ thống nhất tên gọi là “Bộ Xây dựng”. Mục tiêu cơ cấu tổ chức bộ máy nhằm đảm bảo “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm nguyên tắc một cơ quan, đơn vị có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm.

bo-xay-dung.jpg
Trụ sở Bộ Xây dựng. Ảnh: HT

Bộ Xây dựng sau hợp nhất sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng.

Đồng thời, quản lý về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng thực hiện giảm từ 42 đơn vị xuống còn 23 đơn vị, tương đương 45,2%. Trong đó, khối tham mưu tổng hợp còn 6 đơn vị, khối chuyên ngành 13 đơn vị và khối đơn vị sự nghiệp công lập là 4.

Cụ thể gồm: Văn phòng, Thanh tra; các Vụ: Hợp tác quốc tế, Pháp chế, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Vận tải và An toàn giao thông, Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng;

Các Cục: Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Phát triển đô thị, Kết cấu hạ tầng xây dựng, Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Đường bộ Việt Nam, Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam.

4 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin; Báo Xây dựng; Tạp chí xây dựng; Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện khoảng 32 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể hiện đang giao Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thực hiện (không bao gồm các nhiệm vụ trùng lặp) được chia thành 4 nhóm: Nhóm 1 - nhiệm vụ chung với vai trò cơ quan của Chính phủ; Nhóm 2 - nhiệm vụ chung về thực hiện quản lý nhà nước; Nhóm 3 - nhiệm vụ đặc thù quản lý nhà nước về xây dựng và Giao thông vận tải; Nhóm 4 - nhiệm vụ chung về quản trị nội bộ.

Thu Hằng