Nhật Bản có hơn 5.500 dự án đầu tư tại Việt Nam
Nhật Bản có hơn 5.500 dự án đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt hơn 46,2 tỷ USD.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc Tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản về nội dung nêu trên.
Qua gần 52 năm vun đắp và xây dựng, với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, thực chất, trở thành một hình mẫu quan hệ đặc biệt tốt đẹp, nhất là sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
Nhật Bản có hơn 5.500 dự án đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt hơn 46,2 tỷ USD. Về ODA, Nhật Bản dành cho Việt Nam hơn 20 tỷ USD vốn vay, gần 750 triệu USD viện trợ không hoàn lại và khoảng 1,34 tỷ USD hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật.

Việt Nam đứng đầu ASEAN về số lượng doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động
Tại buổi Tọa đàm, ông Nozaki Takao, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM chia sẻ, hiện nay Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. HCM có 1.081 doanh nghiệp thành viên.
Trong số các hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản ở nước ngoài, thì Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. HCM có số lượng thành viên lớn thứ 3, sau Thượng Hải (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan), và số lượng thành viên đang tiếp tục tăng.
"Điều này không chỉ do Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn nhờ có sự hỗ trợ rất tận tình, sự chỉ đạo rất sát sao của các cơ quan chức năng của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Nozaki Takao nhấn mạnh.
Về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào khu vực phía Nam trong thời gian gần đây, mặc dù số lượng dự án đầu tư mới trong lĩnh vực chế tạo đang giảm dần, nhưng các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao đang được quan tâm và triển khai rất mạnh mẽ, chẳng hạn như nhà máy sản xuất polysilicon của Công ty Tokuyama, hay việc xây dựng trung tâm dữ liệu của Tập đoàn NTT.
Trong lĩnh vực phi chế tạo, các doanh nghiệp bán lẻ của Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh việc mở thêm trung tâm thương mại tại các địa phương của Việt Nam, từ đó đóng góp cho việc nâng cao mức sống của người dân.
Với sự mở rộng của các ngành công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến, cũng như mức sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, thì nhu cầu về năng lượng, đặc biệt điện sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới. Ông Nozaki Takao kỳ vọng rằng, các cơ sở hạ tầng về cung ứng năng lượng sẽ được phát triển và mở rộng hơn trong thời gian tới.
Cũng tại toạ đàm, ông Ozasa Haruhiko, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho biết tầm quan trọng của các thị trường mới nổi đã tăng lên đáng kể và một trong những quốc gia được kỳ vọng nhất là Việt Nam.
Theo ông, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được đánh giá có lãi trong năm 2024, cao nhất trong 5 năm qua.
Có tới 56% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới - đứng đầu trong khu vực ASEAN. Điều này cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có động lực phát triển mạnh mẽ nhất.
Các doanh nghiệp và tổ chức của Nhật Bản, như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng JBIC, các Tập đoàn Moeco, Marubeni, Tokyo Gas, Shimizu, Sumitomo, Hitachi, Nippon Koei, Toyota, Aeon… đã trình bày cơ hội hợp tác, đề xuất kiến nghị trong các lĩnh vực như năng lượng, triển khai đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, cao tốc Bắc Nam đoạn Bến Lức-Long Thành, phát triển giao thông vùng ĐBSCL, việc phát triển Trường Đại học Việt-Nhật, thúc đẩy đầu tư hướng tới tương lai, triển khai các dự án ODA thế hệ mới…
Hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững

Kết luận tại Tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, chân thành; các trao đổi, đưa ra hướng giải quyết hiệu quả các vướng mắc của cả hai bên; yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp, dự thảo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”.
Thủ tướng Phạm Minh đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh khai thác dư địa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước còn rất rộng lớn.
Đồng thời, Thủ tướng mong các doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ, hưởng ứng và cùng tham gia thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên của Việt Nam và 2 con số trong những năm tiếp theo.
Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản, với kinh nghiệm, nguồn lực và uy tín của mình, sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững như "Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á" (AZEC) và các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… của Chính phủ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị phía Chính phủ, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước, điển hình như dự án hợp tác phóng vệ tinh vào quỹ đạo năm 2025.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản.