Giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành là động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng trong thời gian tới cùng với các chính sách tài khóa của Chính phủ.
Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 25/02 đến 18/3, đã có 23 ngân hàng thương mại trong nước điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm từ 0,1-1%/năm tùy theo từng kỳ hạn.

Cụ thể, 23 ngân hàng thương mại hạ lãi suất gồm BVBank, MSB, VietBank, Saigonbank, VIB, BAOVIET Bank, KienLongBank, BAC A Bank, VietABank, PGbank, EXimBank, LPBank, NamABank, SHB, NCB, VCBNeo, BIDV, Techcombank, Công nghệ số Vikki, MBV, Phương Đông (OCB), VietinBank, ABBank. Tính riêng từ đầu tháng 3 tới nay, có 18 ngân hàng trong nước giảm lãi suất. Mức giảm từ 0,1 đến 0,9 điểm %/năm.
Cùng với lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng giảm để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, lãi suất cho vay bình quân giảm 1,3% so với đầu năm. Năm 2024, lãi suất cho vay bình quân giảm 1,4%. Năm 2025, từ đầu năm đến nay, lãi vay đã giảm 0,8%.
Theo Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường, từ năm 2023 đến nay, Vietcombank luôn giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank tiên phong giữ mặt bằng lãi suất thấp, giữ mặt bằng lãi suất đầu vào thấp, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Trong khi đó, năm 2024, Agribank đã giảm lãi suất cho vay 4 lần, đưa mặt bằng lãi suất giảm gần 2% so với năm 2023 và thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường. Riêng với doanh nghiệp FDI khu vực phía bắc, Agribank triển khai gói vay lãi suất thấp 2,4 - 3,9%/năm...
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2025, Phó thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định mục tiêu quan trọng hiện nay là duy trì lãi suất thấp và ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, riêng về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước được giao phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm lãi suất cho vay, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên như nhà ở xã hội, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Hiện đã có hàng chục ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, trong đó có những ngân hàng giảm mạnh. Về lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào các lĩnh vực như cho vay tiêu dùng và nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành là động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng trong thời gian tới cùng với các chính sách tài khóa của Chính phủ.