Vấn đề quan tâm

Nhiều ý kiến xung quanh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải

TH 27/03/2025 17:49

Có đại biểu Quốc hội cho rằng cần có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải thay vì tăng một lần như trong dự thảo Luật.

Xe bán tải (pick-up) có tính tiện dụng cao, nhất là chở hàng và tiếp cận những khu vực không dễ cho xe tải và xe con. Vì tính lưỡng dụng của dòng xe pick-up nên xe này được tiêu thụ 70% ở các địa phương và các tỉnh miền núi phía Bắc.

xe-ban-tai2_pnjm.jpg
Xe bán tải có tính tiện dụng cao. Ảnh minh họa

Liên quan đến đề xuất tăng thuế với xe bán tải, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hải Dương đề nghị có lộ trình tăng thuế thay vì tăng một lần như trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, dòng xe này đang chịu mức thuế từ 15%-25%. Nếu áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật (thuế suất sẽ áp bằng 60% xe con chở người cùng dung tích xilanh), thì thuế suất có thể tăng lên ít nhất 9% hoặc có loại lên gấp đôi.

Theo đó, dự thảo Luật đề xuất thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pick-up chở hàng cabin kép bằng 60% mức của xe con chở người. Như vậy, thuế suất mới với xe này sẽ tăng từ 15%-20%-25% lên thành 24%-36% và 54%.

Việc tăng thuế suất cao ngay trong một lần sẽ tác động tới tâm lý khách hàng, làm giảm lượng tiêu thụ xe dẫn đến giảm doanh số bán hàng dòng xe này.

viet-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải trong 3 năm.

Thậm chí việc này sẽ kéo theo hàng trăm người mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ các dòng thuế có liên quan như thuế nhập khẩu, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển, thuế giá trị gia tăng… của cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu.

Đại biểu đề nghị cần quy định có lộ trình tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe bán tải pick-up chở hàng cabin kép trong 3 năm (từ năm 2027-2030).

Liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng một số nơi áp dụng xe pick-up không cho chạy trong đô thị ở một số giờ cao điểm, áp dụng như xe tải. Do đó nếu chúng ta áp dụng xe pick-up như xe tải thì giao thông trong đô thị cũng áp dụng như xe tải. Song nếu áp dụng theo hướng, xe pick-up như xe ô tô con thì đường nào cho ô tô con chạy cũng phải cho xe pick-up chạy thì mới phù hợp trong việc áp thuế.

Thường trực Ủy ban Kinh tế - tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe này đã được ưu đãi hơn nhiều so với các loại ô tô khác.

Tuy nhiên, đây là loại xe có niên hạn sử dụng 25 năm, nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt như dự thảo Luật có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị tiếp thu ý kiến ĐBQH, cân nhắc phương án lùi thời điểm áp thuế 1-2 năm so với thời hạn dự kiến trong dự thảo Luật hoặc áp dụng theo lộ trình để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Làm rõ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, theo quy định về giao thông, xe bán tải được đối xử như xe con cho nên trong thẩm quyền của Chính phủ đã đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 60% mức của xe con chở người.

Về ý kiến việc tăng thuế 1 lần có thể tác động “đột ngột” đến thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết đang cùng với Ủy ban Kinh tế - Tài chính nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế.

Nếu được chấp thuận sẽ tăng thuế theo lộ trình trong 3 năm, lần lượt bằng 50% - 55% - 60% mức của xe con chở người.

TH