Lợi nhuận nhiều ngân hàng ước tính tăng trưởng hai chữ số trong Quý 1/2025
MBS ước tính trong Quý 1/2025, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ nhờ tín dụng đã bắt đầu tăng tốc ngay từ đầu năm.

Chứng khoán MBS vừa đưa ra dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng toàn thị trường có thể ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ trong Quý 1/2025 trên mức nền đang cao dần do được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất tiêu dùng tiếp tục phục hồi.
Trước đó, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 16% của Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 15%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 cao hơn so với mức tăng trưởng năm 2024 chủ yếu ở nhóm ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc: VCB (+16,278% so với 2024), MBB (+26% so với 2024), HDB (+20-25% so với năm 2024), VPB (+20-25% so với 2024).
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt mức 15-16%, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 5%-10%.
Đối với khối Ngân hàng Thương mại cổ phần, một số ngân hàng đặt mức tăng trưởng tín dụng cao bao gồm: MBB (26% ), HDB (+25-26%), VPB (20-25%), VIB (+21.9%), TCB (+20%).
Lợi nhuận sau thuế các ngân hàng theo dõi được dự báo tăng khoảng 15% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng toàn ngành khả quan hơn cùng kỳ.
NIM Quý 1/2025 dự báo sẽ đi ngang so với Quý 4/2024, thấp hơn so với cả năm 2024 do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm đạt được mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch mới (17-18%).
Một số ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng cao trong Quý 1 là VPB, tăng 50%. NIM giảm nhẹ xuống 6,0% (Q4/24: 6,2%), cao hơn mức 5,9% cùng kỳ 2024.
Lợi nhuận STB tăng 37% nhờ nền thấp năm 2024. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 4%, tương đương với năm 2024. NIM trong Quý dự kiến vẫn duy trì ở mức 3,5%, tương đương với Quý 4/2024. Chi phí trích lập dự kiến đạt 200 tỷ đồng, giảm 70,5% so với cùng kỳ.
CTG được dự báo lợi nhuận tăng 28%. Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng khả quan trong Quý 1/2025 nhờ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công và sản xuất kinh doanh, đạt 4-5%. NIM trong quý kỳ vọng đi ngang so với năm 2024, đạt 2.9%.
HDB dự kiến lợi nhuận tăng 19%. Tăng trưởng tín dụng Quý 2/2025 được kỳ vọng vẫn duy trì trên 6%, tương đương với cùng kỳ nhưng NIM sẽ giảm nhẹ xuống mức 5,0-5,2%. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến tương đương với Quý/2024, đạt khoảng 1,3 nghìn tỷ.
Với EIB, tăng trưởng tín dụng Quý 1/2025 dự kiến đạt 5,2% do đẩy mạnh các gói cho vay lãi suất thấp. NIM giảm nhẹ so với cùng kỳ, dự kiến đạt 2,7%.
Với ACB, lợi nhuận sau thuế Quý 1/2025 cải thiện chủ yếu do nền thấp của năm 2024 và được dẫn dắt nhờ kỳ vọng chi phí trích lập giảm so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong Quý đạt khoảng 4% và NIM duy trì ở mức 3,5%.
Dự báo về kết quả kinh doanh năm 2025, tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng ước tăng 17,7% (giảm 2,5 điểm % so với dự báo trước) do thu nhập lãi thuần giảm khi khó khăn trong việc tăng trưởng NIM mặc dù dự báo tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trương và đề ra những giải pháp, cung ứng vốn cho nền kinh tế để tăng tín dụng ngay từ đầu năm 2025. Đến thời điểm hiện tại, tín dụng đã tăng gần 1%; trong khi thời điểm này của năm 2023, 2024, tín dụng âm 0,74%.