ChatGPT bùng nổ số lượng người dùng nhờ tính năng tạo ảnh
Cơn sốt tạo hình ảnh theo phong cách Ghibli bằng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến lượng người dùng ChatGPT tăng đột biến.
Theo dữ liệu từ Similarweb, số người dùng hoạt động trung bình hàng tuần trên ChatGPT đã vượt mốc 150 triệu lần đầu tiên trong năm nay.

Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cho biết, công ty đã ghi nhận 1 triệu người dùng mới chỉ trong vòng 1 giờ - tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với thời điểm ChatGPT ra mắt cách đây hơn 2 năm.
Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng kéo theo nhiều vấn đề kỹ thuật, khi chatbot này liên tục gặp trục trặc với nhiều lần ngừng hoạt động cục bộ trong tuần qua. Công ty cho biết sẽ trì hoãn việc triển khai cho nhóm người dùng miễn phí “một thời gian”, do lượng người dùng quan tâm đến công cụ tạo ảnh này vượt xa dự kiến.
Phong cách tạo ảnh hoạt hình Ghibli được chuyển đổi từ ảnh thật. Người dùng chỉ cần tải ảnh lên và hướng dẫn ChatGPT bằng ngôn ngữ tự nhiên để chuyển đổi ảnh thành phiên bản hoạt hình Ghibli.
Hình ảnh theo phong cách Ghibli được ChatGPT tạo ra mang đậm dấu ấn của Studio Ghibli - hãng phim hoạt hình Nhật Bản do đạo diễn Hayao Miyazaki sáng lập.
Xu hướng này cũng đang làm dấy lên tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ. Một số chuyên gia pháp lý nhận định rằng luật bản quyền hiện nay chỉ bảo vệ các tác phẩm cụ thể, không bao gồm phong cách nghệ thuật.
Trong khi đó, đạo diễn Hayao Miyazaki đã từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm tiêu cực về công nghệ này, khẳng định không muốn AI tham gia vào công việc sáng tạo của mình.
Bên cạnh khả năng tạo ảnh phong cách Ghibli, ChatGPT cũng nhận ý kiến trái chiều về một số tính năng khác. AI này có thể tạo ảnh biên lai giả "giống như thật", có thể bị sử dụng cho lừa đảo hoặc gian lận. Nó cũng có thể ghép nội dung ở nhiều ảnh khác nhau để tạo thành ảnh quảng cáo, nội thất...