Tín dụng - Đầu tư

Sẽ tiếp tục giảm VAT, hỗ trợ tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng

Vũ Đậu 08/04/2025 17:49

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2025 - 2026; đồng thời xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng.

Chiều 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.

Sau khi nghe ý kiến của trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng cho rằng, những phản ứng và giải pháp ứng phó của các nước đối với chính sách thuế mới, đặc biệt là thuế đối ứng, đa dạng và khác nhau, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế.

Tất cả các nước đều đang tích cực nghiên cứu để xây dựng những phương án ứng phó nhằm hạn chế tác động đối với tăng trưởng.

Hầu hết các nước cũng thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ; vừa tích cực xúc tiến đàm phán song phương nhằm hạn chế tối đa tác động từ việc Hoa Kỳ tăng thuế.

tiep-tuc-giam-vat-ho-tro-tin-dung-uu-dai-khoang-500.000-ty-dong.jpg
Ảnh minh họa.

Với tinh thần bình tĩnh, chủ động ứng phó, Thủ tướng cho biết, thời gian qua đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, để thúc đẩy hợp tác, chủ động thích ứng và nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi từ điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ liên quan, trong đó, tập trung giữ đà tăng trưởng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; nghiên cứu, xây dựng các biện pháp ứng phó với mọi kịch bản áp thuế có thể xảy ra; tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế...

Liên quan đột phá thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.

Dự kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội khoảng 35 luật, nghị quyết, trong đó có các dự án luật về doanh nghiệp, đầu tư, đối tác công tư, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng vốn nhà nước, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Cùng với đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2025 và cả năm 2026, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Chính phủ, các bộ, ngành làm công tác quy hoạch; đàm phán mở rộng thị trường; bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng về chính sách và nguồn lực; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa; đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp…

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải bám sát, nắm chắc tình hình, đề xuất các giải pháp, kết nối nền kinh tế nước ta với nước sở tại, khu vực sở tại, đặc biệt là kết nối doanh nghiệp, đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, kết nối doanh nghiệp gồm kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn; thường xuyên trao đổi với các hiệp hội ngành hàng, địa phương trong nước...

Vũ Đậu