Pháp luật đời sống

Xử lý nghiêm hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam

Vũ Đậu 11/04/2025 19:49

Ngày 10/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phát đi công văn đề nghị các địa phương tăng cường chống gian lận thương mại liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

xu-ly-nghiem-hanh-vi-van-chuyen-hang-hoa-gia-mao-xuat-xu-viet-nam.jpg
Tăng cường chống hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài. Ảnh minh họa.

Theo Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Lê Thanh Hải, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các Hiệp hội, doanh nghiệp mới đây, nhằm chủ động thích ứng với tình hình với về thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó nhấn mạnh việc chống hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác.

Về vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể, chống hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt.

Để triển khai, thực hiện hiệu quả nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình. Kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vận chuyển hàng hóa giải mạo xuất xứ Việt Nam qua biên giới, qua các cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng hàng không quốc tế.

Đáng chú ý, các cơ quan liên quan cũng được yêu cầu rà soát kỹ các quy định pháp lý hiện hành, phát hiện những kẽ hở trong xác định xuất xứ hàng hóa để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị điều chỉnh phù hợp. Đây là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh nhiều chiêu trò gian lận ngày càng tinh vi.

Việc triển khai đồng bộ các biện pháp này không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ thương hiệu hàng Việt mà còn góp phần tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch - điều kiện tiên quyết để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Được biết, trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp và cạnh tranh gay gắt, việc hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để thâm nhập vào các thị trường quốc tế không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp chân chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín thương hiệu quốc gia.

Vũ Đậu