Chính sách

Đề xuất doanh nghiệp được mua 30% tín chỉ carbon trên tổng hạn ngạch

Vũ Đậu 14/04/2025 18:14

Đây là một bước điều chỉnh mạnh mẽ so với mức 10% như dự thảo ban đầu, được kỳ vọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh một cách linh hoạt và khả thi hơn.

de-xuat-doanh-nghiep-duoc-mua-30-tin-chi-carbon-tren-tong-han-ngach.jpg
Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa đề xuất một điều chỉnh quan trọng đối với cơ chế bù trừ phát thải carbon tại Việt Nam.

Cụ thể, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon, các doanh nghiệp có thể trao đổi hạn ngạch hoặc sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải.

Điều đặc biệt trong dự thảo lần này là việc tăng mức tín chỉ mà doanh nghiệp có thể mua để bù trừ phát thải lên tới 30% trong giai đoạn đầu, thay vì chỉ 10% như dự thảo trước đó.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường giải thích rằng, đề xuất này nhằm giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp trong việc giảm phát thải quá mức. Các doanh nghiệp có thể sử dụng tín chỉ từ hoạt động trồng rừng hoặc các biện pháp giảm thải khác để bù vào lượng phát thải của mình.

Sàn giao dịch carbon Việt Nam dự kiến vận hành vào tháng 6, là công cụ khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào 2050.

Ngoài việc xây dựng sàn giao dịch carbon trong nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang triển khai cơ chế trao đổi carbon quốc tế. Hiện nay, nhiều quốc gia và doanh nghiệp quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường carbon Việt Nam. Những đối tác quốc tế này sẽ đầu tư vào công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra tín chỉ carbon và tham gia vào các giao dịch carbon.

Đặc biệt, một hệ thống đăng ký và quản lý hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon cũng đang được xây dựng để theo dõi và ghi nhận mọi biến động giao dịch trong nước và quốc tế. Hệ thống này sẽ kết nối với các tổ chức toàn cầu như Verra và Gold Standard, đồng thời hỗ trợ các giao dịch tại sàn giao dịch carbon trong nước.

Theo lộ trình, sàn giao dịch carbon Việt Nam sẽ được thí điểm trong 3 năm (đến 2028), trước khi chính thức đi vào vận hành.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường mới và nặng tính kỹ thuật, Cục Biến đổi khí hậu sẽ cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng và phát hành sổ tay hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp Việt.

Tín chỉ carbon (carbon credit) là giấy phép có thể giao dịch, giúp doanh nghiệp bù đắp lượng khí thải CO2 hoặc các loại khí thải nhà kính khác. Mỗi tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2 được giảm phát thải.

Vũ Đậu