Sự kiện bình luận

3 định hướng, bài học của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng

Nhật Minh 18/04/2025 13:54

Chia sẻ với các đối tác về 3 định hướng quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng, đây cũng là những bài học từ thực tiễn của Việt Nam trong quá trình này.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì Phiên thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững.

3-dinh-huong-bai-hoc-trong-chuyen-doi-nang-luong-20250417101832.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì Phiên thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025.

Chuyển đổi năng lượng là yêu cầu cấp thiết và tất yếu

Tại phiên thảo luận , các diễn giả trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi về các giải pháp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới nhằm tăng tính hiệu quả và bền vững trong phát triển và sử dụng năng lượng; chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững và trao đổi, khẳng định tầm quan trọng của mô hình hợp tác công - tư trong chuyển đổi năng lượng bền vững.

Khai mạc phiên thảo luận chủ đề về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của con người, nguồn nhân lực và của khoa học công nghệ trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay, thế giới đang đối mặt với những thách thức, tác động to lớn về biến đổi khí hậu, môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, do đó, chuyển đổi năng lượng không chỉ là một lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết và tất yếu.

Tại Hội nghị COP26 năm 2021 ở Vương quốc Anh, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện thực hóa cam kết này, Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển của quốc gia, đồng thời đáp ứng bối cảnh, yêu cầu, xu thế chung của toàn cầu.

3 định hướng trong hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam

Chia sẻ với các đối tác về 3 định hướng quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng nhấn mạnh rằng, đó cũng là những bài học từ thực tiễn của Việt Nam trong quá trình này.

Thứ nhất là đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo được coi là chìa khóa mở cánh cửa và vượt qua những thách thức trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững. Chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra những công nghệ mang tính cách mạng. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), lưới điện thông minh, hệ thống Pin tích trữ năng lượng (BESS), năng lượng hyđrogen... đang trở thành xu hướng mới, giúp tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí. Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo thực sự phát triển, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, bao gồm ưu đãi tài chính và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng kiến đột phá.

Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng cần được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, từ việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, các giải pháp, công cụ để triển khai thực hiện, việc huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế… Ở đây, con người luôn là yếu tố then chốt và quyết định.

3-dinh-huong-bai-hoc-trong-chuyen-doi-nang-luong-20250417102216.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chia sẻ với các đối tác về 3 định hướng quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam

Thứ hai là mô hình đối tác công - tư và hợp tác quốc tế.

Chuyển đổi năng lượng không thể đạt được nếu chỉ dựa vào nỗ lực riêng của chính phủ hoặc khu vực tư nhân. Hợp tác công - tư chính là cầu nối để hai bên cùng chia sẻ nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô triển khai các giải pháp năng lượng bền vững. Chính phủ đóng vai trò định hướng chính sách, tạo hành lang pháp lý và thiết lập các mục tiêu quốc gia rõ ràng. Trong khi đó, khu vực tư nhân có thể mang đến những nguồn lực tài chính khổng lồ, cùng với sự linh hoạt và sáng tạo trong triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, việc thông qua các cơ chế, sáng kiến hợp tác quốc tế như P4G sẽ hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, chia sẻ, học hỏi nhiều kinh nghiệm và tiếp cận nguồn tài chính, đặc biệt nguồn tài chính xanh toàn cầu để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Đây là minh chứng rõ ràng rằng chỉ khi chúng ta kết hợp, huy động mọi nguồn lực và chia sẻ rủi ro, thì mới có thể triển khai những dự án quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về thời gian và hiệu quả.

Thứ ba là lấy con người làm trung tâm.

Trong hành trình hướng tới chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, chúng ta không thể thiếu yếu tố con người. Chuyển đổi năng lượng bền vững không chỉ là một cuộc cách mạng về công nghệ, mà còn là một cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là những cộng đồng nghèo và yếu thế.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm rằng các giải pháp chuyển đổi năng lượng không chỉ phục vụ cho các đô thị lớn mà còn tới được các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Các dự án năng lượng tái tạo, các dự án lưới điện và điện nông thôn đã giúp hàng trăm ngàn hộ dân cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thứ trưởng chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng chuyển đổi năng lượng bền vững không thể thành công nếu thiếu sự công bằng xã hội. Các chính sách bao trùm, như cung cấp tài chính vi mô để hộ gia đình tự đầu tư vào năng lượng tái tạo, chính là nền tảng để mọi người có thể tham gia đóng góp vào hành trình này”. Ôg nhận định, đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, định hình tương lai phát triển bền vững.

Quá trình chuyển đổi ngành năng lượng luôn đòi hỏi sự hài hòa trong phát triển, đảm bảo các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, hướng tới một tương lai xanh, bền vững và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau. Với sự đồng lòng và quyết tâm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tin tưởng, Việt Nam và các nước thành viên trong P4G cùng nhiều đối tác trên toàn thế giới hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới mà năng lượng sạch không chỉ là mục tiêu, mà còn là quyền lợi phổ quát, mang đến sự bền vững và hạnh phúc cho các thế hệ mai sau.

Nhật Minh