Sự kiện

Luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm: Giải pháp cấp thiết để xử lý nợ xấu

Quốc Huy 19/04/2025 10:24

Ngày 18/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024.

Tại hội thảo, một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm nhất là việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng và công ty mua bán nợ — một giải pháp được đánh giá là cấp thiết nhằm bảo vệ an toàn cho hệ thống tài chính và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

nguyen_quoc_hung.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, nguyên Chủ tịch VAMC phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Nợ xấu gia tăng và khoảng trống pháp lý cần lấp đầy

Thực tế, nợ xấu đang có dấu hiệu tăng trở lại khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn. Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: Việc thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng về quyền thu giữ tài sản bảo đảm khiến các ngân hàng không thể chủ động xử lý nợ, làm chậm quá trình thu hồi vốn và ảnh hưởng trực tiếp tới dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cũng khẳng định rằng quyền thu giữ tài sản bảo đảm không phải là một đặc quyền mà là quyền đương nhiên, phát sinh từ quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng. Nếu không có công cụ pháp lý để thu giữ tài sản khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, nợ xấu sẽ trở thành “điểm nghẽn” lớn, gây đình trệ cho hoạt động tín dụng và cả nền kinh tế.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhấn mạnh việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm là xu thế tất yếu. Theo ông, nợ xấu luôn tồn tại trong hoạt động ngân hàng, xuất phát từ những nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hay biến động thị trường. Nếu không có biện pháp thu hồi hiệu quả, ngân hàng sẽ buộc phải hạn chế cấp vốn mới, dẫn tới ách tắc dòng vốn, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí tố tụng và nâng cao tính minh bạch, đồng bộ của hệ thống luật pháp.

can_van_luc.jpg
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia phát biểu- Ảnh: VGP/HT

Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy thị trường mua bán nợ

Theo đánh giá từ các ngân hàng và chuyên gia pháp lý, từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu hết hiệu lực, các TCTD đã không còn công cụ chủ động để thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Trong khi đó, dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi hiện vẫn chưa có quy định kế thừa rõ ràng cơ chế này, khiến quá trình xử lý nợ kéo dài, gây ảnh hưởng đến thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Đại diện Vụ Pháp chế NHNN cũng thừa nhận, ngân hàng hiện đang gánh trách nhiệm rất lớn khi sử dụng vốn huy động từ người dân để cho vay, vì vậy cần có cơ chế pháp lý rõ ràng để thu giữ tài sản bảo đảm khi khách hàng mất khả năng thanh toán, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống.

Ngoài vấn đề thu giữ tài sản, các đại biểu tại hội thảo cũng kiến nghị bổ sung một loạt nội dung cụ thể vào dự thảo luật. Đáng chú ý là việc xử lý tài sản bảo đảm đang bị phong tỏa trong các vụ án hình sự hoặc vi phạm hành chính; quyền xử lý tài sản là quyền khai thác khoáng sản; quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tài sản bảo đảm tại Tòa án; và các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng dự án bất động sản khi tài sản bị ngân hàng thu giữ.

Đại diện các công ty mua bán nợ cũng đề xuất cần mở rộng phạm vi cho phép các doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực tham gia vào hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm. Việc này sẽ tạo động lực cho thị trường mua bán nợ phát triển, đồng thời giúp xử lý nhanh các khoản nợ xấu, tăng khả năng quay vòng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

Kết luận tại hội thảo, nhiều ý kiến đều cho rằng, việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm không chỉ giúp xử lý nợ xấu hiệu quả, mà còn tạo ra môi trường tín dụng lành mạnh, thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và bảo vệ an toàn cho toàn bộ hệ thống tài chính. Đây là bước đi quan trọng nhằm bảo vệ dòng vốn, củng cố niềm tin cho thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Quốc Huy