Sự kiện bình luận

Đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình trọng điểm trên cả nước

Nhật Minh 19/04/2025 22:33

Sáng 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn trên cả nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

img1584-17450371540151181192032.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ từ điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ảnh: VGP

Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung – Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TPHCM đến tất cả các công trình, dự án.

Tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi lễ trọng đại, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước.

80 công trình trọng điểm - Những "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "thần tốc, táo bạo" của những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975, đồng thời khẳng định khát vọng độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc đã trở thành hiện thực.

Thủ tướng cũng nêu rõ những thành tựu to lớn của đất nước sau 50 năm thống nhất, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Nội Bài, đường bộ cao tốc, cơ sở dữ liệu quốc gia... được đẩy nhanh tiến độ, góp phần "xoay chuyển tình thế, thay đổi trạng thái" hạ tầng chiến lược của đất nước.

img1592-17450372445331619608939.jpg
img1590-1745038128989491843730.jpg
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khởi công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: VGP

Theo báo cáo, có 80 dự án được khởi công, khánh thành, với tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng và vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm nhiều lĩnh vực quan trọng như giao thông, xây dựng công nghiệp và dân dụng, giáo dục, văn hóa xã hội, y tế cộng đồng và thủy lợi.

Trong đó, khánh thành 47 công trình với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: 5 dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227 km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268 km; hồ chứa nước Krong Pách Thượng (Đắk Lắk) phục vụ tưới tiêu cho trên 14.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân; Trung tâm Y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và đưa vào sử dụng một số công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...

Đặc biệt, việc Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và được đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp lễ trọng đại của đất nước, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch sẽ tác động tích cực tới tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để cơ bản hoàn thành dự án này trong năm 2025.

Cùng với đó, khởi công mới 33 công trình với quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước như: Nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, TP. Hà Nội; Dự án thành phần 1, 2 thuộc tuyến vành Đai II TP.HCM; Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới; nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Cà Mau; đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Trung tâm thương mại AEON Hải Dương; Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III; Bệnh viện đa khoa Cà Mau; kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề; khu đô thị lấn biển Cần Giờ (TP.HCM); một số khu nhà ở xã hội, tái định cư tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai…

Theo Thủ tướng, các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội được khởi công, khánh thành hôm nay trên khắp mọi miền đất nước đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng kỳ vọng, 80 công trình, dự án được khởi công, khánh thành sẽ là những "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng" trên bản đồ thế giới. Các công trình này không chỉ mang ý nghĩa chiến lược về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế, mà còn thể hiện khát vọng, bản lĩnh và giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.

img1596-17450371540082101958159.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thực hiện nghi thức gắn biển công trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: VGP
img1594-17450371540111142841951.jpg
Ảnh: VGP

6 bài học kinh nghiệm lớn - Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Trong phát biểu tại sự kiện quan trọng này, Thủ tướng đã chia sẻ 6 bài học kinh nghiệm lớn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển hạ tầng chiến lược.

Một là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp, các ngành, các địa phương với tinh thần: Nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, làm việc nào dứt việc đó, làm việc gì ra việc nấy.

Hai là, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", tranh thủ sự ủng hộ, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp. Với phương châm: Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.

img1578-17450313487421541534108.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút triển khai giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ làm thủ tục lên tàu bay. Ảnh: VGP

Ba là, tăng cường sự hiệp đồng, phối kết hợp giữa các lực lượng; giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; giữa Nhà nước với nhân dân; giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân bảo đảm khoa học, hiệu quả, phù hợp và thống nhất. Mỗi chủ thể nỗ lực, cố gắng để cả nước cùng cố gắng với tinh thần: "Cùng chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển và cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào".

Bốn là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho các địa phương; đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, phê bình xử lý, khen thưởng kịp thời, chính xác. Phát huy tính tự lực, tự cường, tự tin vươn lên từ bàn tay khối óc của mình; dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại. Cùng nhau thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển lớn mạnh, trưởng thành hơn, tự tin hơn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Năm là, tập trung tháo gỡ các rào cản về thể chế, nỗ lực cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm tin cho các chủ thể có liên quan. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc phân công bảo đảm 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền"; để "dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ đôn đốc".

Sáu là, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các công trình trọng điểm của đất nước, xây dựng, phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo không khí hăng say làm việc, với tinh thần trách nhiệm cao nhất "Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước"; kịp thời động viên, khen thưởng, tuyên truyền, khắc họa gương người tốt, việc tốt trên công trường, vận động người dân, tạo sự đồng thuận, đồng lòng triển khai các dự án, công trình.

Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng. Thủ tướng kêu gọi mỗi cá nhân, mỗi chủ thể tham gia dự án luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, đổi mới tư duy, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Nhật Minh