Bình Thuận hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng quốc gia
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bình Thuận tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế và hướng tới những mục tiêu cao hơn, trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, trung tâm du lịch tầm vóc quốc tế, trung tâm phát triển kinh tế biển bền vững của cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2025) tổ chức ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã đạt được trong hơn 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đặc biệt hoan nghênh tỉnh Bình Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo để tập trung thực hiện quyết liệt chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hướng tới mục tiêu cao nhất là sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước và nâng cao đời sống nhân dân.
Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, trung tâm du lịch tầm vóc quốc tế
Nhấn mạnh tiềm năng và lợi thế của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bình Thuận tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế và hướng tới những mục tiêu cao hơn, trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, trung tâm du lịch tầm vóc quốc tế, trung tâm phát triển kinh tế biển bền vững của cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng lưu ý các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận cần quyết liệt triển khai và hoàn thành sớm chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, việc tổ chức bộ máy sau sắp xếp phải đảm bảo sự tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả, đồng thời các đơn vị hành chính sau sắp xếp cần phát triển mạnh mẽ hơn, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các đơn vị, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy phục vụ nhân dân, có khát vọng phát triển, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung của cộng đồng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Tỉnh cần chú trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thực hiện tốt các hoạt động và chính sách “Đền ơn, đáp nghĩa”, an sinh xã hội, và giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Thuận quan tâm thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Du lịch - Điểm sáng trong chiến lược phát triển
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận khẳng định: Sau nửa thế kỷ giải phóng và đặc biệt là sau 33 năm tái lập tỉnh (từ năm 1992 đến nay), Bình Thuận đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một tỉnh nghèo trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá toàn diện.

Ông Nguyễn Hoài Anh cho biết, từ năm 1992 đến nay, tỉnh Bình Thuận luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. Riêng năm 2024, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,25%, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt trên 128 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,011 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 10.838 tỷ đồng, vượt 8,3% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó thu nội địa đạt 9.605 tỷ đồng, tăng 6,67% so với cùng kỳ.
Cơ cấu ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều sản phẩm tăng trưởng khá. Ngành nông nghiệp giữ đà ổn định, từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.
Kinh tế biển được chú trọng phát triển, hạ tầng ven biển và hải đảo được đầu tư nâng cấp phục vụ nhu cầu phát triển. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 225.137,5 tỷ đồng, tăng bình quân 11,23%/năm. Trong đó, tỉnh đã thu hút 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4,166 tỷ USD, nhiều dự án tiếp tục được mở rộng quy mô.
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận là sự bứt phá mạnh mẽ của ngành du lịch. Với định hướng chiến lược, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đón hơn 35 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 93.000 tỷ đồng. Những năm gần đây, doanh thu từ du lịch đạt bình quân khoảng 1 tỷ USD/năm. Bình Thuận đã chủ động đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm phát triển các dự án quy mô lớn, tạo điểm nhấn cho ngành công nghiệp không khói.
Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh” là một cột mốc đáng chú ý, góp phần nâng cao hình ảnh địa phương trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách quốc tế.

Cũng trong ngày 19/4, tỉnh Bình Thuận tổ chức cắt băng khánh thành hai dự án giao thông trọng điểm: Dự án làm mới đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn từ QL1 đến cầu Suối Nhum, H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) dài khoảng 17,8km với tổng mức đầu tư 933 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu giao với QL1 tại Km1710+500 (thuộc xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) và điểm cuối là cầu Suối Nhum (giao với đường Hàm Minh - Thuận Quý, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam).
Đây là 2 công trình được khánh thành cùng với 80 công trình khác của cả nước, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khánh thành tại điểm cầu nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM).