Trình Quốc hội Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 18/4/2025 về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), thống nhất thông qua dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình tại Tờ trình số 1215/TTr-BNV ngày 10/4/2025.
Động thái này thể hiện quyết tâm cao trong việc cụ thể hóa các chủ trương lớn về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và tiến tới kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện ở những địa bàn phù hợp.
Bộ Nội vụ hiện đang được giao nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ chịu trách nhiệm tiếp thu ý kiến đóng góp từ các thành viên Chính phủ, ký Tờ trình và các văn bản liên quan, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, giải trình và tiếp thu ý kiến, đảm bảo tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo và ban hành văn bản
Song song với việc thông qua dự án luật, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đã ký ban hành Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 19/4/2025.
Kế hoạch này tập trung vào việc rà soát toàn diện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan đến việc kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Mục tiêu chính của kế hoạch là xác định các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới để đảm bảo sự đồng bộ với định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 và Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan Chính phủ, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố, có trách nhiệm rà soát các VBQPPL hiện hành và sắp có hiệu lực, đánh giá mức độ thể chế hóa chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và các vấn đề thực tiễn. Danh mục các VBQPPL cần rà soát đã được xác định trong Công văn số 002/CV-BCĐ ngày 04/4/2025. Các bộ, ngành phải gửi đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL về Bộ Tư pháp trước ngày 20/4/2025 để Bộ này tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/4/2025.
Kế hoạch cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động ban hành hoặc đề xuất ban hành các VBQPPL theo thẩm quyền và thời hạn quy định. Thời hạn ban hành đối với các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là chậm nhất ngày 30/6/2025. Đối với các nghị định của Chính phủ, các bộ, ngành cần gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 10/5/2025 và trình Chính phủ trước ngày 30/5/2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đặc biệt lưu ý về việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính giữa các cấp chính quyền địa phương trong nội dung các nghị định, cũng như xác định rõ việc phân cấp từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành và định hướng tổ chức lại bộ máy hành chính.
Tăng cường phối hợp và giám sát tiến độ
Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Trưởng Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch. Văn phòng Chính phủ được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về nội dung rà soát, đề xuất ban hành VBQPPL, bảo đảm đầy đủ nội dung, đúng thẩm quyền và thời hạn ban hành văn bản; chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Kế hoạch cũng đưa ra Danh mục và phân công bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân định thẩm quyền trong các ngành, lĩnh vực được phân công quản lý có liên quan đến việc kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với các VBQPPL thuộc danh mục ưu tiên, đồng thời yêu cầu các đơn vị soạn thảo phải đảm bảo lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp (nếu cần thiết).
Việc Chính phủ đồng thời thông qua dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và triển khai Kế hoạch 40/KH-BCĐ cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc đổi mới mô hình tổ chức bộ máy hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển và cải cách thể chế, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên cả nước.