Quản trị

Phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng

Hoài Anh 22/04/2025 20:50

Thị trường trong nước không chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm mà còn là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều thách thức.

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2025 đạt 1.708.252 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nhóm có mức tăng cao là lương thực, thực phẩm, hàng văn hóa phẩm, giáo dục (tăng lần lượt 10,1% và 13,3%); nhóm du lịch, dịch vụ và lưu trú, ăn uống (tăng từ 12,5 và 18,3%).

Cũng theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện đạt khoảng 4.922.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 190 tỷ USD, số liệu năm 2024).

kich-cau-1.jpg
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang được coi là thị trường tương đối tiềm năng.

Trong đó, tiêu dùng cho nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất là 35,7%, tiếp đến là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 10,7%, nhóm hàng may mặc chiếm 5,5%, nhóm phương tiện đi lại chiếm 4,8%...

Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 8.274 chợ, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và khoảng gần 7.000 cửa hàng tiện lợi.

Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang được coi là thị trường tương đối tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thế giới.

Mới đây, tại Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng", nhằm đánh giá thực trạng, khó khăn và đề xuất giải pháp đồng bộ thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng các bộ, ngành liên quan đã cùng phân tích, đánh giá thực trạng thị trường trong nước. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh vai trò then chốt của thị trường nội địa trong việc duy trì đà tăng trưởng. Thị trường trong nước không chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm mà còn là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều thách thức.

Trước bối cảnh hiện tại, ông Trần Hữu Linh cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm online và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng.

Ông Linh kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội để phát huy chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước. Từ đó, xây dựng thị trường nội địa năng động, hiện đại và bền vững.

Trước đó, ngày 4/4, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025, trong đó đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; đồng thời giao nhiệm vụ và chỉ tiêu tăng trưởng thị trường bán lẻ cụ thể cho từng địa phương nhằm phấn đấu đạt mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Hoài Anh