Dự án

Thúc đẩy triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Dự án chiến lược với cơ chế đặc biệt

Mai Thoa 24/04/2025 16:21

Ngày 23/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Đây là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, hiện đại và được kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam.

dduong_sat_cotc.jpg
Ảnh minh họa

Lần đầu tiên triển khai, yêu cầu tiến độ gấp rút

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình giao thông quy mô chưa từng có, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Với tổng chiều dài khoảng 1.545 km, kết nối Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dự án hứa hẹn rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, giảm tải cho đường bộ, đường hàng không, đồng thời tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.

Nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của dự án, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các phần việc được phân công, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư. Dự án được Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đẩy nhanh quá trình triển khai.

Theo Nghị quyết 106/NQ-CP, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết, nhằm cụ thể hóa các nội dung, thủ tục, thẩm quyền trong việc áp dụng cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép tại Điều 3 Nghị quyết số 172/2024/QH15.

Bộ Xây dựng được giao vai trò cơ quan chủ quản, phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương có liên quan để tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Kỳ vọng đột phá hạ tầng và kinh tế

Việc triển khai thành công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ góp phần thay đổi diện mạo giao thông quốc gia mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế cho Việt Nam. Đây cũng là phép thử cho khả năng điều phối, phối hợp liên ngành và năng lực quản lý các dự án đầu tư công quy mô lớn, hiện đại.

Chính phủ nhấn mạnh, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ trở thành biểu tượng mới cho tầm nhìn phát triển bền vững và hiện đại hóa hạ tầng của đất nước.

Các mốc tiến độ quan trọng

Chính phủ cũng đặt ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn triển khai:

  • Từ nay đến tháng 8/2026: Hoàn tất lựa chọn nhà thầu tư vấn, thực hiện khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
  • Tháng 9/2026: Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.
  • Trước tháng 12/2026: Các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình đường điện để bàn giao mặt bằng cho thi công.
  • Trước 31/12/2026: Lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, chuẩn bị khởi công dự án.
  • Từ năm 2035: Cơ bản hoàn thành thi công, lắp đặt thiết bị, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành.

Mai Thoa