Thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách giúp Chính phủ nâng cao hiệu quả điều hành kinh tế - xã hội
Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 812/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách – tổ chức tư vấn cao cấp hỗ trợ Chính phủ trong công tác hoạch định và điều hành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Hội đồng Tư vấn chính sách (gọi tắt là Hội đồng) gồm 10 thành viên là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học giàu kinh nghiệm đến từ nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Trong đó, ông Trần Quốc Khánh – nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương – giữ vai trò Thường trực Hội đồng.
Cụ thể, Hội đồng Tư vấn chính sách (Hội đồng) gồm các ủy viên sau:
1- Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thường trực Hội đồng.
2- Ông Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
3- Ông Trần Ngọc Liêm, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
4- Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
5- Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
6- Ông Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
7- Ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội.
8- Ông Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.
9- Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
10- Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.
Cơ quan tư vấn chiến lược cho Chính phủ
Theo Quyết định của Thủ tướng, Hội đồng là tổ chức tư vấn có chức năng nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Hội đồng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phản biện các chính sách ở tầm vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều biến động cả trong và ngoài nước.
Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn về chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn; đánh giá kết quả thực hiện các chính sách đã ban hành; dự báo tình hình và đề xuất các biện pháp điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, Hội đồng cũng tham gia góp ý với các báo cáo, đề án lớn của Chính phủ trước khi trình lên các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Chủ động phối hợp, kết nối nguồn lực trí tuệ trong và ngoài nước
Một điểm đáng chú ý là Hội đồng có quyền chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trung tâm dữ liệu; yêu cầu cung cấp văn bản, thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác tư vấn. Ngoài ra, Hội đồng cũng có thể tham vấn chuyên gia, mời các nhà khoa học, nhà kinh tế trong và ngoài nước, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tư vấn.
Đồng thời, Hội đồng sẽ được mời tham dự các cuộc họp, hội nghị, đoàn công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình.
Việc thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách là bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, lấy hiệu quả thực thi chính sách làm thước đo. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động nhanh, yêu cầu đổi mới tư duy điều hành, chiến lược phát triển đòi hỏi phải có đội ngũ cố vấn chuyên sâu, độc lập và giàu kinh nghiệm – đúng như mô hình Hội đồng vừa được thiết lập.