Thị trường

Khuyến mãi dồn dập, giỏ hàng tăng mạnh dịp lễ 30/4 – 1/5

Trang Nhi 30/04/2025 10:47

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 12%, ngành bán lẻ cần thêm động lực từ chính sách giảm 2% thuế VAT đến các chiến dịch khuyến mãi quy mô lớn.

Theo tính toán của các nhà bán lẻ, sức mua của người tiêu dùng đã cải thiện đáng kể trong quý I/2025, với giá trị trung bình mỗi giỏ hàng vào khoảng 320.000 - 360.000 đồng. Bước sang quý II, mục tiêu của nhiều doanh nghiệp bán lẻ là nâng mức chi tiêu của người tiêu dùng lên thêm 15 - 20%, tức đạt khoảng 400.000 - 420.000 đồng mỗi đơn hàng.

cap-nhat-gio-mo-cua-cua-sieu-thi-aeon.jpg
Ảnh minh họa

Chạy đà bằng loạt chương trình kích cầu

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài là cơ hội để thị trường bán lẻ bứt phá. Các siêu thị, trung tâm thương mại đồng loạt triển khai hàng loạt chương trình kích cầu tiêu dùng: giảm giá 10%, 30% đến 50%; mua hàng tặng quà; mua 1 tặng 1... Các nhà bán lẻ kỳ vọng sức mua trong đợt lễ này sẽ tăng từ 20 - 30% so với ngày thường.

Đại diện nhiều hệ thống phân phối cho biết đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ, đồng thời kéo dài thời gian khuyến mãi lên 2 đến 3 tuần, thay vì chỉ tập trung vài ngày lễ như trước. Sự chuẩn bị sớm này nhằm đón đầu nhu cầu mua sắm có thể bùng nổ trong bối cảnh thu nhập và tâm lý tiêu dùng đang dần khởi sắc.

Tăng tốc quý II để đạt mục tiêu năm

Theo ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, Sở đã yêu cầu các đơn vị đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân trong kỳ nghỉ lễ. Bên cạnh đó, thành phố cũng vận động các hệ thống phân phối tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai thêm các hoạt động khuyến mại để hỗ trợ tăng sức mua. “Kỳ vọng sức mua quý II sẽ tăng khoảng 10% so với quý I”, ông Y cho biết.

Từ góc độ quản lý, ông Trần Hữu Linh – đại diện Bộ Công Thương – đánh giá các địa phương cần đẩy mạnh tần suất khuyến mại nhân các dịp lễ lớn trong năm, đồng thời đổi mới hình thức tổ chức Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tăng độ lan toả đến người tiêu dùng. Ông cũng nhận định, các chương trình kết nối cung - cầu, bình ổn thị trường sẽ góp phần tạo hiệu ứng tích cực, củng cố niềm tin vào thị trường nội địa.

Năm 2025, ngành bán lẻ đặt mục tiêu tăng trưởng 12%. Để đạt được mốc này, ngoài sự phục hồi tiêu dùng sau đại dịch và niềm tin của người dân vào kinh tế vĩ mô, các chính sách hỗ trợ như giảm 2% thuế VAT, kết hợp với nỗ lực từ doanh nghiệp trong kích cầu sẽ đóng vai trò then chốt.

Trang Nhi