Kinh tế

Kinh tế Việt Nam vươn mình mạnh mẽ sau 50 năm thống nhất non sông

Thu Hằng 01/05/2025 07:45

Sau 50 năm thống nhất, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu trở thành điểm sáng về kinh tế trên bản đồ thế giới. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao.

50 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), từ nền kinh tế nghèo đói, lạc hậu và chậm phát triển chịu chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã nỗ lực đổi mới, phát triển và trở thành quốc gia có quy mô nền kinh tế đứng top 30 thế giới.

sai-gon(1).jpg
Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch đầu tàu của cả nước.

Năm 1974 quy mô nền kinh tế của cả miền Bắc và miền Nam cộng lại chưa đầy 22 tỷ USD.

Năm 1986, khi Việt Nam bước vào cuộc Đổi mới, cải cách, quy mô kinh tế ước đạt 26,34 tỷ USD.

Đến năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD là nền kinh tế lớn thứ 32 trên thế giới, cao thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á xếp trên Philippines (462 tỷ USD) và Malaysia (422 tỷ USD). Năm 2025, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô 506 tỷ USD.

Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 4.700 USD.

Hiện nay, Việt Nam đang quyết tâm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để thực hiện mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93 % (theo chuẩn đa chiều) so với mức hơn 60% năm 1986.

Chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Đây cũng là thứ hạng tốt nhất của Việt Nam kể từ khi báo cáo được công bố lần đầu vào năm 2012.

Đến hết năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán năm và tăng 16,2% so với năm 2023. Còn tổng chi ngân sách lũy kế năm 2024 ước đạt 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán năm và tăng 5,7% so với năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiến sát mốc 800 tỷ USD, đánh dấu kỷ lục về ngoại thương Việt Nam. Cán cân thương mại xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với 23 tỷ USD, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cho nền kinh tế…

Thống kê từ báo cáo The Wealth Report 2025 của Knight Frank (Vương quốc Anh), Việt Nam hiện có khoảng 5.459 cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD, chiếm 0,2% tổng số triệu phú trên toàn thế giới.

Theo danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, Việt Nam hiện có 5 tỷ phú đô la, gồm tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup; tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet Air; tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát; tỷ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan.

5-ty-phu.jpg
5 tỷ phú đô la của Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao song phương với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 12 quốc gia trên thế giới.

Từ nước chịu tổn thương sâu sắc từ chiến tranh, Việt Nam đã chủ động gia nhập và tham gia hơn 17 hiệp định thương mại tự do song phương đa phương lớn thế giới như WTO, CPTPP, FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng AC - AEC, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Có thể thấy, tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh của Việt Nam không ngừng được củng cố.

Trong bối cảnh mới, thế giới đã và đang thay đổi từng ngày. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ, các nguồn động lực mới cho kinh tế như khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), Big data... đang ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi phải cải tổ toàn diện, mạnh mẽ từng ngày cấu trúc kinh tế đất nước.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy quản lý đất nước được Bộ Chính trị, trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra đã và đang tạo khí thế mới cho đất nước vươn mình sang kỷ nguyên mới, thể hiện tư duy, tầm nhìn thời đại đưa đất nước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) nhấn mạnh nửa thế kỷ đã trôi qua, với những thành tựu vĩ đại đã đạt được, chúng ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để đưa đất nước vươn mình, cất cánh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Để hiện thực hoá khát vọng xây dựng nước Việt Nam “hơn mười ngày nay”, chúng ta cần phải giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội.

Năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Thu Hằng