Đầu tư xanh của khu vực tư nhân Việt Nam đạt hơn 160 triệu USD
Đầu tư xanh từ khu vực tư nhân của Việt Nam đạt 161 triệu USD vào năm 2024, chiếm khoảng 2% tổng đầu tư của nhóm SEA-6. (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam)
Theo thông tin được nêu trong báo cáo "Nền kinh tế xanh Đông Nam Á" vừa công bố, do Bain & Company, GenZero, Google, Standard Chartered và Temasek thực hiện, đầu tư xanh của tư nhân trong nhóm SEA-6 đạt 8 tỷ USD năm ngoái, tăng 43% so với 2023.

Ngành năng lượng tiếp tục chiếm 2/3 tổng giá trị đầu tư xanh trong khu vực với quy mô thương vụ ngày càng tăng. Trong đó, năng lượng mặt trời ghi nhận mức tăng đầu tư lớn nhất (tăng 100%), trong khi các giao dịch trong lĩnh vực quản lý chất thải tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ các dự án xử lý nước thải và tái chế.
Singapore và Malaysia là hai quốc gia dẫn đầu về thu hút vốn tư nhân cho đầu tư xanh, lần lượt đạt 2,68 và 2,3 tỷ USD, tăng đến 194% và 124% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam cùng với Indonesia, Philippines, Thái Lan chứng kiến dòng vốn suy giảm ở mức hai con số.
Tại Việt Nam, đầu tư xanh từ khu vực tư nhân năm qua chỉ chiếm khoảng 2% tổng giá trị. Dòng vốn xanh chuyển dịch từ năng lượng mặt trời năm 2023 sang giao thông vận tải và điện gió, với tổng cộng 4 thương vụ được ghi nhận. Tuy nhiên, so với 2023, quy mô đầu tư đã giảm 19%.
Ngoài ra, báo cáo nêu trên cũng đề cập tới việc Đông Nam Á chiếm 7,5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và dễ bị tổn thương do chưa thể kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải. Vì vậy, các chính phủ cần có biện pháp can thiệp khẩn cấp để thay đổi quỹ đạo này và đạt được mục tiêu.
Việc thúc đẩy nền kinh tế xanh đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ tất cả các bên liên quan– doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ. Quá trình khử carbon tại Đông Nam Á không chỉ dừng lại ở các mục tiêu đã đề ra mà còn phải đạt được các kết quả thực tiễn. Việc giảm thải carbon không còn là gánh nặng chi phí mà trở thành đòn bẩy chiến lược cho tăng trưởng, mang lại lợi ích cả về môi trường và kinh tế cho tương lai của khu vực.
Bà Franziska Zimmermann, Giám đốc điều hành về phát triển bền vững của Temasek, lưu ý chỉ còn 5 năm nữa là đến 2030, cánh cửa hành động để tránh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang nhanh chóng khép lại. "Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ và tập trung vào các giải pháp thực tiễn có tác động trong ngắn hạn", bà Zimmermann nói.