Bất động sản

Hàng loạt dự án mới, mở rộng tầm nhìn công nghiệp xanh và công nghệ cao

Quốc Huy 12/05/2025 08:52

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ với làn sóng đầu tư lớn từ trong và ngoài nước.

Hàng loạt khu công nghiệp (KCN) mới được phê duyệt, xu hướng tích hợp đa tầng, mô hình xanh và trung tâm dữ liệu hiện đại đang định hình một diện mạo công nghiệp tương lai.

khu-cong-nghiep.jpg
Ảnh minh họa

Ngay từ đầu năm 2025, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi có tới 14 dự án khu công nghiệp mới được phê duyệt tại các tỉnh, thành như Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Phước, Bắc Giang, Hải Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng diện tích vượt 4.000 ha, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây không chỉ là tín hiệu tích cực về mở rộng quỹ đất công nghiệp mà còn là minh chứng cho sức hấp dẫn ngày càng lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các chuyên gia, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm điểm đến mới thay thế cho Trung Quốc. Ngoài ra, đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, logistics, công nghệ cao cũng đang thúc đẩy nhu cầu về mặt bằng công nghiệp hiện đại.

Một trong những xu hướng nổi bật là việc phát triển các KCN thế hệ mới với tích hợp nhiều lớp dịch vụ: từ hạ tầng thông minh (5G, IoT), trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), khu nhà ở công nhân, đến hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ. Mô hình nhà xưởng cao tầng – vốn phổ biến tại các quốc gia phát triển – cũng bắt đầu được triển khai rộng rãi tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Hải Dương và Bắc Ninh. Mô hình này giúp tiết kiệm tới 40% diện tích đất và cho phép doanh nghiệp thuê linh hoạt theo module.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 30% các KCN đạt chứng chỉ xanh như LEED nhằm hướng tới phát triển công nghiệp bền vững. Các dự án mới được khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, tích hợp năng lượng mặt trời áp mái và hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn. Một điển hình là Khu liên hợp công nghiệp Hàn Quốc tại Hưng Yên, có tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, đang tiên phong trong việc áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Song song với đó, lĩnh vực trung tâm dữ liệu (data center) đang nổi lên như một phân khúc hấp dẫn. Saigon Asset Management (SAM) vừa công bố dự án trung tâm dữ liệu công suất 150 MW tại Bình Dương, với tổng vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD trên diện tích 50 ha, hợp tác với VSIP. Giai đoạn đầu dự kiến đi vào vận hành sau hai năm, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu của khu vực Đông Nam Á.

Tại TP. HCM, thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh Khu Công nghệ cao hiện hữu, thành phố đang xây dựng thêm một Khu Công viên Khoa học Công nghệ mới tại TP Thủ Đức trên diện tích gần 200 ha. Trong năm 2025, sẽ có 12 dự án được khởi công, trong đó có 2 dự án FDI, tổng vốn hơn 1 tỷ USD. Thành phố cũng đang hướng đến phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với nhà máy bán dẫn đầu tiên sắp khánh thành và kỳ vọng xây dựng thêm nhà máy thứ hai vào năm 2026.

Ở khu vực phía Bắc, TP. Hà Nội cũng đang tăng tốc phát triển hạ tầng công nghiệp. Thành phố hiện có 9 KCN và 1 khu công nghệ cao, tổng diện tích gần 3.000 ha. Mới đây, ba khu công nghiệp mới đã được phê duyệt gồm Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp và KCN sạch Sóc Sơn, với định hướng rõ ràng về phát triển bền vững và công nghệ cao. Đồng thời, ba cụm công nghiệp làng nghề mới tại Thạch Thất và Thường Tín cũng được thành lập, ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường.

Sự phát triển đồng bộ giữa hạ tầng, công nghệ và môi trường đang tạo nền tảng vững chắc cho bất động sản công nghiệp Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng chất lượng cao. Việc kết hợp giữa chính sách thu hút đầu tư hợp lý, quy hoạch khoa học và xu hướng phát triển xanh sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu tương lai.

Quốc Huy