Đại biểu Quốc hội kiến nghị số hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
Tại phiên thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chiều 10/5, nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập trong công tác đăng ký, quản lý doanh nghiệp hiện nay, đồng thời đưa ra kiến nghị cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả hậu kiểm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu thực trạng hiện nay đang “vừa khuyến khích số hóa, vừa buộc phải nộp bản giấy”. Theo ông, hiện nay các doanh nghiệp được khuyến khích thực hiện thủ tục theo hướng điện tử, nhưng khi thanh tra, kiểm tra thì cơ quan chức năng vẫn yêu cầu cung cấp tài liệu giấy.

Ông dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp ký hợp đồng qua email, sử dụng chữ ký số nhưng khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa lại bị cơ quan hải quan yêu cầu cung cấp hợp đồng bản giấy. “Điều này khiến doanh nghiệp lúng túng, gây tốn kém chi phí và thời gian không đáng có”, đại biểu Nghĩa nói, đồng thời đề nghị dự thảo luật lần này cần quy định rõ ràng giá trị pháp lý của tài liệu điện tử trong giao dịch và lưu trữ.
Đại biểu cũng cảnh báo, việc lưu trữ bằng giấy không chỉ cồng kềnh mà còn tiềm ẩn rủi ro cao như bị mối mọt, hỏa hoạn, ngập lụt… Trong khi đó, nhiều công cụ số có thể giúp lưu trữ an toàn, bảo mật và hiệu quả hơn rất nhiều.
Đồng tình với quan điểm đẩy mạnh số hóa, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) nhấn mạnh việc cần sớm áp dụng mã định danh cá nhân thay cho nhiều loại giấy tờ truyền thống trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia mà còn góp phần phòng ngừa tiêu cực, chống việc thành lập doanh nghiệp “ma”.

Theo bà Hà, Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã số định danh gần như đã phủ toàn dân số. Điều quan trọng hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu thay vì mỗi nơi giữ một hệ thống riêng lẻ. “Chính phủ cần xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên và có chế tài rõ ràng để bắt buộc các đơn vị phối hợp đồng bộ dữ liệu”, đại biểu đề xuất.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh yêu cầu cắt giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ và 30% điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, ông cho rằng việc giảm gánh nặng thủ tục phải đi kèm với việc tăng cường hậu kiểm.
Ông chỉ ra thực trạng có những doanh nghiệp đăng ký trụ sở nhưng đến kiểm tra thì “không thấy bóng dáng”, thậm chí không tồn tại ở địa chỉ đã đăng ký. Điều này cho thấy quy trình hậu kiểm hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa theo kịp với tốc độ phát triển thực tế.
Một trong những nội đáng chú ý là dự thảo luật sửa đổi không tiếp tục quy định việc người thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp. Đại biểu Trần Hoàng Ngân không đồng tình với việc bỏ nội dung này. Ông cho biết từng chứng kiến những trường hợp nhờ người chạy xe ôm, người thuê trọ hoặc thậm chí người đang chấp hành án đứng tên doanh nghiệp. “Có trường hợp người đang thụ án mà vẫn đứng tên doanh nghiệp và hoạt động bình thường. Việc yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp sẽ giúp ngăn chặn kẽ hở này”, ông nhấn mạnh.
Do đó, ông đề xuất thay vì để cơ quan đăng ký kinh doanh “có thể phối hợp” với cơ quan tư pháp như dự thảo hiện hành, cần sửa thành “phải phối hợp” để bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn.