TP.HCM: Tín dụng cho vay mua nhà chiếm 60,5% tổng dư nợ
Lần đầu tiên tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM vượt mốc 4 triệu tỷ đồng; trong đó, tín dụng cho vay mua nhà đạt 688 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,5% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực II, đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng (số liệu thực tế) trên địa bàn TP.HCM đạt 4.046 nghìn tỷ đồng, tăng 2,62% so với cuối năm 2024 và tăng 12,78% so với cùng kỳ. Đây là kết quả tăng trưởng tích cực, phản ánh những yếu tố tác động từ môi trường kinh tế xã hội và cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, về quy mô tín dụng, lần đầu tiên tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt ngưỡng kỹ thuật trên 4 triệu tỷ đồng và tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước đây.
Cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng 1,31%; năm 2023 tăng 1,72%. Ngoài ra, các yếu tố thuận lợi từ môi trường kinh tế xã hội và cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là yếu tố chính tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm.
Trong đó, chính sách tín dụng phù hợp, linh hoạt cùng chính sách lãi suất thấp đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất đã phát huy và tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động tín dụng tiêu dùng tăng, phản ánh nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng và mở rộng. Diễn biến này có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại du lịch và dịch vụ.
Theo đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố trong 3 tháng đầu năm và trong tháng 4/2025 tiếp tục tăng trưởng, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 28,7% so với cùng kỳ. Đây đồng thời cũng là yếu tố động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng trong thời gian tới.
Đặc biệt, tín dụng cho vay mua nhà để ở, để sử dụng, với mục đích tiêu dùng đạt 688 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,5% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn và tăng 1% so với cuối năm.
Mặc dù tăng trưởng thấp hơn so với các lĩnh vực khác, song chiếm tỷ trọng cao nhất trong hoạt động tín dụng tiêu dùng. Vì vậy, bộ phận này duy trì tốc độ tăng trưởng dương sẽ có tác động tích cực đến tín dụng tiêu dùng và hiệu quả mang lại cho thị trường nhà ở và tăng trưởng kinh tế, cũng như chính sách phát triển nhà ở của Chính phủ.
Riêng tín dụng đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu như: thương mại, du lịch; truyền thông; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục; tài chính; nghệ thuật vui chơi giải trí… đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 35,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Số liệu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cũng cho thấy sự cải thiện về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế - một yếu tố then chốt để mở rộng tín dụng bền vững.
Khi dòng vốn tín dụng đi đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ hiệu quả, điều đó không chỉ góp phần ổn định hệ thống ngân hàng mà còn tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế chung.