Vấn đề quan tâm

Kịp thời thể chế hóa chủ trương lớn về phát triển kinh tế tư nhân

Mai Thoa 15/05/2025 19:22

Chiều tối 14/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Dự thảo nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, tạo đòn bẩy mới để giải phóng sức sản xuất và nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, bền vững.

140520251034-anh-3-thu-truong-bo-tai-chinh-nguyen-duc-tam-.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày Tờ trình tại phiên họp chiều 14/5.

Thể chế hóa các định hướng lớn của Đảng

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, dự thảo Nghị quyết tập trung thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, áp dụng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Đáng chú ý, dự thảo quy định rõ ràng các nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp chỉ bị thanh tra, kiểm tra một lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng. Các hành vi lạm dụng kiểm tra để gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm.

Dự thảo cũng nhấn mạnh việc ưu tiên hình thức thanh tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử, miễn kiểm tra thực tế đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật; thúc đẩy hậu kiểm thay vì tiền kiểm, trừ một số lĩnh vực bắt buộc theo thông lệ quốc tế.

Hạn chế hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá cao điểm mới của dự thảo Nghị quyết là nhấn mạnh nguyên tắc xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, dân sự theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm giữa pháp nhân và cá nhân, giữa các hình thức xử lý hành chính, dân sự và hình sự.

Theo đó, ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý dân sự, kinh tế trước. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tạo điều kiện chủ động khắc phục vi phạm. Chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết mới áp dụng biện pháp hình sự và phải dựa trên hậu quả kinh tế thực tế. Đặc biệt, dự thảo yêu cầu không được hồi tố để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp và cần có kết luận rõ ràng, công khai đối với các vụ việc còn nhiều nghi vấn.

Một điểm quan trọng khác là quy định về việc niêm phong, phong tỏa tài sản phải đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, không vượt quá giá trị thiệt hại dự kiến, đồng thời cần phân biệt rõ tài sản hợp pháp với tài sản vi phạm pháp luật. Tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cũng cần được tách bạch khỏi tài sản cá nhân của người quản lý trong quá trình xử lý vụ việc.

140520251043-anh-1-toan-canh-phien-lam-viec-.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Tư duy mới về quản lý, thúc đẩy kinh tế tư nhân

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tính cấp bách của việc ban hành Nghị quyết đặc thù này nhằm hiện thực hóa các đột phá tư tưởng tại Nghị quyết 68-NQ/TW. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nội dung Nghị quyết cần ngắn gọn, chắt lọc, nhưng thể hiện rõ các điểm đổi mới thực chất trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ sửa đổi đồng bộ các luật liên quan đến kinh tế tư nhân trong kỳ họp lần này như Luật Tố tụng dân sự, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Khoa học – Công nghệ, Luật Thanh tra… để bảo đảm tính thống nhất và khả thi khi triển khai Nghị quyết.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, tinh thần xuyên suốt là thay đổi tư duy quản lý nhà nước: từ quản lý sang kiến tạo phát triển. Nhà nước không đứng ngoài thị trường nhưng cũng không can thiệp sâu vào hoạt động doanh nghiệp, mà phải hỗ trợ, đồng hành, kiến tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, dù có một số nội dung còn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng việc đưa vào Nghị quyết thể hiện rõ tầm vóc, định hướng lớn mà Quốc hội dành cho khu vực tư nhân. Đây là thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Mai Thoa