Bổ sung chế tài xử lý hành vi lợi dụng uy tín quảng cáo sai sự thật
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
.jpg)
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là nhân dân.
Nhân dân phải là trung tâm bảo vệ, là chủ thể cùng đấu tranh, phải huy động sức mạnh từ nhân dân để tạo thành phong trào. Hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở đóng vai trò quyết định; chính quyền cơ sở là nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT.
Xác định công tác bảo vệ sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, của người tiêu dùng là trên hết, trước hết. Tăng cường quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả
Bộ Y tế tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả; khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, các văn bản quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng; nghiên cứu đề xuất tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Phát động phong trào nhân dân tham gia hưởng ứng kiểm soát chất lượng thuốc, thực phẩm; đồng thời, yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, không giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở về tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương chủ động phối hợp, thực hiện việc kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc; đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyên môn, kỹ thuật, quy trình tiền kiểm, hậu kiểm, cấp phép hàng hóa; đặc biệt phải ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lâm sản, thủy sản, sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; đồng thời, có biện pháp kiểm soát việc dùng chất kích thích tăng trưởng đối với mặt hàng hoa quả, việc sử dụng hóa chất quá mức nhằm tăng trọng, chống mất nước sau khi rã đông để gian dối về khối lượng, giảm chất lượng.
Bổ sung chế tài xử lý hành vi lợi dụng uy tín quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội
Một trong những nội dung đáng chú ý của Chỉ thị số 13 là việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố thông tin sai sự thật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.
Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành trong xây dựng, thẩm định, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT.
Theo Chỉ thị, kinh phí, nguồn lực cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xâm phạm quyền SHTT được trích từ nguồn kinh phí thường xuyên đã phân bổ cho các Bộ, ngành và địa phương.